KHOA HỌC KỸ THUẬT “NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở LÀNG KON KTU” . GV HD: NGUYỄN THỊ QUYÊN

 


I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Trong những năm qua, ngành du lịch đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, và đang khẳng định vị trí vai trò của mình vào thu nhập GDP của tỉnh. Hiện nay du lịch là loại hình dịch vụ, ngành công nghiệp không khói, đang được nhiều địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển với nhiều loại hình du lịch, việc lựa chọn phương hướng phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng về tài nguyên du lịch phong phú, tạo ra các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh để có thể thu hút khách du lịch là hết sức cần thiết và cấp bách. Trong đó, loại hình du lịch cộng đồng - một loại hình du lịch hấp dẫn du khách, thị trường du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hoá, du lịch còn nguyên sơ, đó là một thế mạnh của ngành du lịch Kon Tum, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Du lịch cộng đồng được du khách nước ngoài rất quan tâm vì họ thích đi du lịch tới những bản, làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc sinh sống, cảnh quan ở đây còn hoang sơ, những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, các làng nghề thủ công của đồng bào còn được lưu truyền, chưa mai một trong cuộc sống hiện đại. 

Nhằm khai thác các lợi thế về văn hóa truyền thống ở địa phương, thành phố Kon Tum đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào DTTS. Bước đầu, hướng đi này cho thấy hiệu quả rõ rệt khi khách du lịch đến và tham gia trải nghiệm ngày càng nhiều; người dân cũng đã bắt đầu hiểu, tận dụng và phát huy những lợi thế để tăng thu nhập. Tuy nhiên cho đến nay mô hình du lịch cộng đồng tại Làng Kon Ktu mặc dù đã được hình thành và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế nhưng so với tiềm năng sẵn có thì còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế,  phát triển du lịch theo xu hướng mùa vụ, thiếu sự bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, thị trường du lịch chưa được mở rộng, chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Bản thân chúng em là những thành viên của làng, những thanh thiếu lựa chọn theo đuổi các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch với mong muốn tìm ra các giải pháp nhằm đưa du lịch cộng đồng Làng Kon Ktu phát triển  bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho đồng bào và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum. Đó chính là lí do khiến chúng em chọn đề tài  “NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở  LÀNG KON KTU” .

II. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC, MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

II.1. Giả thuyết khoa học

-Phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của tỉnh Kon Tum song hiện tại hoạt động chưa có hiệu quả, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của cộng đồng Làng.

-Được sự định hướng của chính quyền các cấp, Làng Kon Ktu- Thành phố Kon Tum đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng nhưng chưa khai thác hết các tiềm năng du lịch sẵn có, và còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

-Có thể tạo ra các giải pháp nhằm góp phần đưa du lịch cộng đồng Làng Kon Ktu phát triển  bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho đồng bào và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum.

II.2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở lý luận chung về du lịch, du lịch cộng đồng, chúng em sẽ nghiên cứu các hoạt động phát triển du lịch tại Làng Kon Ktu trên thực tế từ đó sẽ đề ra các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn TP Kon Tum nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống bản địa góp phần phát triển du lịch bền vững.

II.3. Nhiệm vụ nghiên cứu:

Để thực hiện những mục tiêu trên, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra bao gồm:

- Xác lập cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực nghiên cứu.

- Nghiên cứu tổng quan các đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Kon Tum.

- Nghiên cứu các điều kiện, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực nghiên cứu.

- Đánh giá hoạt động phát triển du lịch cộng đồng theo các nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng.

- Đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng ở làng Kon Ktu – Thành Phố Kon Tum.

II.4. Câu hỏi nghiên cứu

-Làm thế nào để có thể phát triển du lịch cộng ở tỉnh Kon Tum?

- Làm thế nào để có thể phát triển du lịch cộng ở làng Kon Ktu, thành phố Kon Tum?

-Làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân nhằm phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng ở tỉnh Kon Tum?

III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

III.1. Đối tượng nghiên cứu:

- Các tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Làng Kon Ktu

-Các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Làng Kon Ktu

III. 2. Phương pháp nghiên cứu

III.2.1.Phương pháp nghiên cứu lý thuyết

-Nghiên cứu tổng quan về đặc điểm, nội dung, mục tiêu, nguyên tắc, điều kiện hình thành và phát triển du lịch cộng đồng.

-Nghiên cứu các điều kiện, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở các làng DTTS tại thành phố Kon Tum.

III.2.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn

*Phương pháp trưng cầu ý kiến

            Phương pháp này được triển khai theo các bước sau:

(1) Xác định mẫu điều tra, (2) Thiết kế mẫu điều tra,  (3) Chuẩn bị phiếu điều tra, (4) Phát phiếu điều tra, (5) Thu phiếu điều tra

*Phương pháp phỏng vấn

            Đối tượng tham gia phỏng vấn: Học sinh dân tộc thiểu số ở trường THPT Trường Chinh,  người dân trong làng Kon Ktu.

*Phương pháp quan sát

            Chúng tôi tiến hành quan sát thái độ, cảm xúc, hành vi của các đối tượng tham gia phỏng vấn để đánh giá một cách khách quan

*Phương pháp xử lí dữ liệu

            Dựa vào kết quả điều tra, phỏng vấn theo “Hệ thống phân loại các mục tiêu của Bloom” nhóm chúng tôi phân tích, đánh giá, tập hợp theo từng lĩnh vực nhận thức, cảm xúc để thống kê. Và sử dụng công thức tính số bình quân qia quyền để cho ra kết quả.

III.2.3. Phương pháp hoạt động trải nghiệm

-Hoạt động trải nghiệm thông qua việc tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân trong học chính khóa, và tích hợp trong các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ.

            -Hoạt động trải nghiệm thông qua các hoạt động hướng nghệp vào tiết sinh hoạt tuần cuối của mỗi tháng và thông qua bộ môn Giáo dục công dân định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh trường THPT Trường Chinh đối với văn hóa bản địa của dân tộc mình và tìm hiểu về việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

-Hoạt động trải nghiệm được tiến hành với các hoạt động đoàn, đi thực tế khám phá tìm hiểu, tình nguyện của các đoàn viên thanh niên đến các làng dân tộc DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum nhằm giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thu thập vốn hiểu biết của các bạn trẻ DTTS về văn hóa bản địa nhằm củng cố niềm tự hào, ý thức gìn giữ văn hóa bản địa của dân tộc.

IV. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN NGHIÊN CỨU

IV.1. Cơ sở lý luận

IV.1.1. Khái niệm về du lịch cộng đồng

Qua nghiên cứu các khái niệm, có thể hiểu: “Du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch bền vững dựa vào cộng đồng địa phương mang lại cho du khách những trải nghiệm về văn hóa của cộng đồng, cộng đồng sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch như khai thác, quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên và cộng đồng phải được hưởng lợi từ hoạt động du lịch để từ đó giảm tỉ lệ nghèo đói, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

IV.1.2. Đặc điểm của du lịch cộng đồng là phải có sự tham gia tích cực của người dân địa phương, đem lại lợi ích cho họ, tạo cơ hội việc làm và cải thiện điều kiện sống của họ. Tuy nhiên phải gắn liền với phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa.

IV.1.3. Mục tiêu và nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng

   * Mục tiêu: Phát triển du lịch cộng đồng sẻ góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng, kinh tế địa phương. Đồng thời đem lại cho du khách một sản phẩm du lịch có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

   * Nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng :

- Có sự đồng thuận của cộng đồng địa phương và các bên tham gia.

- Tôn trọng các giá trị văn hóa của cộng đồng

- Phù hợp với khả năng và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng.

- Xác định chủ thể quản lí nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và hoạt động du lịch.

- Xác lập quyền sở hữu và tham gia của cộng đồng đối với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa hướng tới sự phát triển bền vững.

IV.1.4. Một số hình thức tham gia phổ biến của cộng đồng trong du lịch

- Cho khách thuê trọ và ở chung trong nhà người dân, tham gia các hoạt động trải nghiệm như đi rẫy, làm đồng, leo núi, chèo thuyền độc mộc, dệt vải thổ cẩm, đan lát, nấu các món ăn truyền thống, ca múa hát tập thể, …

- Xây dựng các nhà nghỉ bình dân dưới sự điều hành chung của cộng đồng hoặc có đóng góp cho cộng đồng.

 - Người dân làm việc phục vụ du lịch như: hướng dẫn viên, lễ tân, nấu ăn phục vụ khách

- Sản xuất và bán hàng lưu niệm để bán trực tiếp cho khách du lịch.

- Sản xuất và cung ứng một số sản phẩm như rau quả, thực phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

IV.1.5. Ý nghĩa phát triển du lịch cộng đồng

- Đối với công tác bảo tồn: du lịch cộng đồng phát triển sẽ gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

 - Đối với cộng đồng: Du lịch phát triển góp phần tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế,  nâng cao trình độ lao động từ đó hạn chế tình trạng di cư của cộng đồng từ khu vực nông thôn ra thành thị, góp phần ổn định xã hội. Phát triển du lịch giúp cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng xã hội. Đây cũng sẽ là yếu tố tích cực để đảm bảo sự công bằng trong phát triển du lịch, một trong những nội dung quan trọng của phát triển du lịch bền vững. Mang lại lợi ích cho các thành viên cộng đồng tham gia trực tiếp cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch, đồng thời các thành viên khác cũng được hưởng lợi từ sự đóng góp của du lịch. Tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa và giao lưu kinh tế giữa các vùng miền, giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

- Đối với du lịch: phát triển du lịch cộng đồng có ý nghĩa tạo ra sự đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch của các địa phương, thu hút khách du lịch. Góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên du lịch nói riêng.

IV.2. Chủ trương phát triển du lịch cộng đồng

IV.2.1. Phê duyệt của Thủ Tướng chính phủ “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” với các quan điểm sau đây:

1. Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

2. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

4. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

5. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

      IV.2.2. Quan điểm của Đảng bộ tỉnh Kon Tum đối với ngành du lịch

-Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về “phát triển du lịch trong tình hình mới” và “phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Ngày 27/7/2011, Ban thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND, ngày 10/4/2013 về phê duyệt phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã nêu rõ nhiệm vụ, công việc cụ thể hàng năm của các cơ quan đơn vị trong tỉnh từ việc xây dựng các quy hoạch du lịch đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và sản phẩm du lịch, từ việc tăng cường quản lý nhà nước về du lịch đến phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. 

- Nâng cao sự đóng góp của ngành du lịch vào sự phát triển kinh tế- xã hội, làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch với việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh nhằm tạo ra và duy trì sản phẩm du lịch độc đáo, có chất lượng tốt.

- Phát triển du lịch đồng thời phải đảm bảo yêu cầu giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường. Lựa chọn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, đặc trưng, nhất là ở nội thành phố Kon Tum để đầu tư xây dựng thành các làng văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

-Hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng tại làng Kon Ktu và các làng DTTS để thu hút khách du lịch, đối với việc thực  hiện đề án cần bố trí lại dân cư tại các làng DTTS gắn liền với phát triển du lịch đặc biệt chú ý yếu tố bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống qua đó phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, giữ gìn cảnh quan môi trường phát triển bền vững và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS tại địa phương.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

V.1. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại làng Kon Ktu

Phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm  mà Đảng bộ Kon Tum quan tâm phát triển và triển khai thực hiện. Mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành ở tỉnh Kon Tum, cho đến nay có UBND tỉnh đã công nhận 10 điểm du lịch trên địa bàn, cụ thể:

- Trên địa bàn huyện  Kon Plông gồm 06 điểm:  Làng Kon Pring, Hồ Đam Bri, Thác Pa sỹ,  Thiện Mỹ Farm, Êban Farm, Nhà máy rượu Vang Sim.

- Trên địa bàn huyện  Đăk Hà có 01 điểm du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi.

- Trên địa bàn thành phố Kon Tum có 03 điểm du lịch cộng đồng được công nhận là Làng Kon Ktu, Làng Kon Klor (Phường Thắng Lợi) và điểm du lịch A Biu (Xã Ngok Bay). Tuy vậy, mới chỉ có làng Kon Kơtu là nơi tổ chức được loại hình “home stay”, tức là đón du khách vào ở trong nhà dân để trải nghiệm cuộc sống  gia đình và tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương. Còn lại thì khách du lịch chủ yếu tham quan trong ngày, chứ chưa ở lại đêm, phần vì chưa có nhu cầu lưu trú, phần vì các khu dân cư này chưa đảm bảo được các điều kiện cần thiết để phục vụ du khách. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng từ 700 đến 900 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại làng, trong đó có khoảng 300 khách quốc tế, tập trung ở độ tuổi từ 20-50 tuổi.




Điểm du lịch A Biu (Xã Ngọc Bay – Thành phố Kon Tum)

Mặc dù đã bước đầu tổ chức cho du khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống ở cộng đồng khu dân cư, song thực tế, làng Kon Kơtu vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách. Tuy đã đón nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài, song thực tế, các sản phẩm du lịch ở khu dân cư còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách đến và ở lại khám phá nhiều ngày.




(Các Hom Stay của làng Kon Ktu – xã Đăk Rơ Wa)

Các sản phẩm du lịch còn chưa mang tính đặc thù, cộng đồng địa phương tham gia cung ứng và phát triển du lịch vẫn còn hạn chế về trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ.

Hiện tại, Làng Kon Ktu còn có các nghề truyền thống chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp thủ công như: nghề dệt thổ cẩm với sản phẩm là vải, chăn, địu, quần áo, khăn, túi thổ cẩm và nghề đan lát mây, tre với sản phẩm là sọt, rổ, khay, giỏ, đĩa… 





 


(Sản phẩm phục vụ du lịch của làng Kon Ktu)

Thống kê sơ bộ, trong làng có gần 30 nhà sàn có thể đón khách lưu trú, song đây hầu hết là những ngôi nhà đã ít nhiều được “ngói hóa, gạch hóa”, không còn giữ nguyên lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Ba Na. Vì vậy, giảm sút sức hấp dẫn khi lưu trú đối với khách du lịch nước ngoài là điều không tránh khỏi.

Nhà rông làng Kon Kơtu là nhà rông đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa, phía trước có khoảng dân rộng khoảng 300m2, vừa tạo cảnh quan, vừa thuận lợi cho việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Tuy vậy, do được xây dựng đã lâu, nên hiện tại, nhà rông đã xuống cấp, hư hỏng nhiều bộ phận tranh tre, rất cần được quan tâm khôi phục, tu bổ.





Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại Làng Kon Ktu)

Các hoạt động du lịch chủ yếu dựa vào tự nhiên sẵn có chưa được đầu tư để khai thác hết các tiềm năng du lịch. Cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí còn nghèo nàn chưa thu hút được sự hứng thú, khám phá của du khách đối với công đồng địa phương. Sự liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác để tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế về đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc bản địa  Du lịch phát triển đã tạo nhiều việc làm cho cộng đồng địa phương nhưng người dân nơi đây còn chưa nhận được nhiều lợi ích từ phát triển du lịch. Nhận thức về du lịch cộng đồng còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển du lịch nên vẫn còn tình trạng chưa gắn bó, bảo vệ tài nguyên du lịch tại địa phương. Nhận thức của đa số đồng bào về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế, chưa ý thức tự bảo tồn văn hóa truyền thống của mình. Để tạo được dấu ấn riêng biệt,  du lịch cộng đồng ở Làng Kon Ktu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ để thu hút sự quan tâm chú ý của du khách.

Bảng 1:  Đánh giá của khách du lịch về thái độ của cộng đồng địa phương

Thái độ của CĐĐP

Khách nội địa

Khách quốc tế

Số người

%

Số người

%

Rất thân thiện

20

40

35

50

Thân thiện

10

20

20

28,6

Bình thường

18

36

12

17,1

Không thân thiện

2

4

3

4,3

Tổng

50

100

70

100

(Nguồn: Điều tra khách du lịch tại làng Kon Ktu tháng 7/2020)

*Nhận xét:

Qua bảng 1, ta có thể nhận thấy người dân địa phương  tại làng Kon Ktu vẫn còn chưa nhận thức được đầy đủ về lợi ích trong việc phát triển du lịch cộng đồng, cho nên họ chưa tích cực tham gia và thái độ đối với du khách chưa được cởi mở, thân thiện nhằm tạo ấn tượng thoải mái, vui vẻ khi du khách đến tham quan, du lịch và lưu trú tại địa phương.

Bảng 2. Các dịch vụ du lịch cộng đồng tại  Làng Kon Ktu

stt

Dịch vụ

ĐVT

Giá (VNĐ)

Ghi chú

A

Dịch vụ ăn uống và lưu trú

1

Ăn sáng

Suất ăn/ Người

30.000 - 40.000

 

2

Ăn chính

Suất ăn/ Người

80.000- 150.000

Tùy khách đặt món

3

Thức uống

Đơn vị

10.000 – 100.000

Theo yêu cầu của khách

4

Ngủ

Người/ đêm

80.000 - 100.000

 

B

Dịch vụ văn hóa, văn nghệ, giải trí

1

Đốt lửa trại

Chương trình

1.000.000 – 2.000.000

Theo yêu cầu của khách

2

Múa xoong

Chương trình

1.000.000 – 1.500.000

Theo yêu cầu của khách

C

Dịch vụ vận chuyển

1

Chèo thuyền độc mộc

Thuyền/ giờ

30.000 – 50.000

 

2

Hướng dẫn địa phương

Người/ ngày

200.000 – 250.000

 

D

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe

1

Tắm  thuốc

Người / suất

100.000

 

2

Ngâm chân thuốc

Người/ suất

50.000

 

Nguồn: Tác giả tổng hợp.

*Nhận xét:

Qua bảng số liệu 2, ta có thể nhận thấy mức giá trong hoạt động du lịch, dịch vụ tại Làng Kon Ktu là hợp lí, phù hợp với điều kiện thu nhập của du khách trong nước và đối với du khách nước ngoài thì thậm chí là rẻ. Tuy nhiên qua đó cũng nhận thấy được các dịch vụ phục vụ du lịch tại địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu chưa thu hút được du khách lưu trú và khám phá trong dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động dịch vụ du lịch.

Bảng 3.Tình hình phát triển về quy mô của ngành du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015 -2020

 

ĐVT

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng lượt khách

Lượt

238.154

303.707

343.850

448.304

462.000

250.500

1.Khách quốc tế

Lượt

78.911

110.052

124.854

181.672

185.000

43.560

2. Khách nội địa

Lượt

159.243

193.655

218.996

266.632

277.000

206.940

Tổng doanh thu

Tỷ đồng

129.180

181.023

212.956

253.661

297.340

120

Công suất

%

70,4

71,0

74,5

78,18

79,0

35,0

Cơ sở lưu trú

Cơ sở

113

126

127

145

147

148

Số lượng phòng

Phòng

1675

1876

1880

2108

2160

2125

                          (Nguồn: Số liệu từ Sở VH- TT- DL)

*Nhận xét: Qua bảng số liệu 3, ta có thể nhận thấy

-Tổng lượt khách:

+ Giai đoạn 2015-2019: tăng 223.846 lượt người (gấp 1,93 lần) trong đó khách quốc tế tăng 106.089 lượt người (gấp 2,34 lần), khách nội địa tăng 13,6 lượt người (gấp 3,47 lần)

+ Giai đoạn 2019-2020: giảm 211.500 lượt người. trong đó khách quốc tế giảm 141.440 lượt người, khách nội địa giảm 70.060 lượt người.

- Tổng doanh thu:

+ Giai đoạn 2015-2019: tăng 105.160 tỷ đồng (gấp 1,54 lần)

+ Giai đoạn 2019-2020: giảm mạnh còn 297.220 tỉ đồng

Nguyên nhân làm cho hoạt động du lịch suy giảm là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19 cho nên nhu cầu du lịch giảm bởi vì phải thực hiện giãn cách và cách ly toàn xã hội. Hơn nữa tình hình dịch bệnh đang còn nhiều diễn biến phức tạp cho nên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân.

V.2. Khảo sát các tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Kon Tum và tại làng Kon Ktu

Kon Tum có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà Rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân và cộng đồng xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Với những đặc điểm trên, các làng  DTTS sẽ là một trong những điểm đến thú vị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Làng Kon Kơtu - Xã Đăk Rơ Wa, Thành phố Kon Tum là một trong số 3 khu dân cư tiêu biểu của tỉnh được chọn khảo sát, xác định mô hình “Du lịch cộng đồng” trong phạm vi Đề án Đầu tư, liên kết, quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 của tỉnh Kon Tum. Đề án do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành xây dựng, làm cơ sở thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 




Cách trung tâm Tỉnh lỵ chừng 3 cây số, Kon Kơtu là làng vùng sâu, xa nhất của xã Đăk Rơwa. Từ phố thị Kon Tum, qua cầu treo Kon Klor, có một con đường  nhỏ từ ngã ba ở trung tâm xã rẽ vào, len giữa những cánh đồng mía, đồng mì ven sông Đăk Bla dẫn đến khu dân cư của 123 hộ với hơn 600 cư dân người Ba Na. Được thành lập năm 1968, làng Kon KơTu có vị thế lý tưởng, vừa đứng bên núi, vừa ở cạnh sông, thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành. Trải qua thăng trầm lịch sử và biến đổi của đời sống, bà con  vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc bản địa, với những ngôi nhà sàn truyền thống được xây dựng vây quanh ngôi nhà Rông truyền thống. Nhà thờ Kon Kơ Tu được xây dựng với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, mang phong cách kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và bản sắc văn hóa truyền thống của người Bahnar. Bên cạnh đó, làng còn có nhiều hệ thống sông, suối chảy qua Sông ĐăkBla, suối Đăk Htô, Đin Ja, Teng Tong...gắn với địa hình đồi núi, rừng cây và diện tích canh tác nương rẫy tạo ra cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên










Mặc khác, du lịch cộng đồng hiện nay đang là xu thế phát triển của ngành du lịch trên thế giới. Do vậy, việc nghiên cứu một cách khoa học và có hệ thống để đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng và tìm ra những giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Làng Kon Ktu  nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch tại Thành Phố Kon Tum đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội  là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết.

V.3. Các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại làng Kon Ktu

Trên cơ sở đánh giá về tiềm năng du lịch và thực trạng khai thác du lịch cộng đồng tại làng Kon Ktu nhằm phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, khai thác tốt hệ thống tài nguyên du lịch phong phú tại đây, chúng em đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch cộng đồng trở thành một điểm sáng, có đóng góp lớn về mặt kinh tế - xã hội  và gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

V.3.1. Giải pháp nâng cao nhận thức của người dân.

*Mục đích: Nhằm làm cho người dân trong Làng Kon Ktu hiểu được việc phát triển du lịch cộng đồng sẻ đem lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống cho chính mình, từ đó mỗi người sẻ tự giác tham gia tích cực vào các hoạt động phục vụ du lịch và thái độ thân thiện, cởi mở, tích cực với du khách.

*Cách tiến hành:

-Tuyên truyền về lợi ích phát triển du lịch cộng đồng cho đồng bào trong các buổi lễ sáng thứ 2 chào cờ, và buổi tối họp dân làng tại nhà Rông.

-Phối hợp với Đoàn thanh niên trong làng, xã tiến hành các hoạt động dọn dẹp vệ sinh trục đường giao thông đi vào làng, vận động bà con không thả rông gia súc phóng uế bừa bãi, và phải qui hoạch chuồng trại nhằm đảm bảo vệ sinh, môi trường.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa, quang cảnh trong làng làm cho du khách cảm thấy thoải mái, tâm lí an toàn, tình cảm.

V.3.2. Giải pháp xây dựng vẻ đẹp cảnh quan môi trường.

*Mục đích: Nhằm thu hút được đông đảo du khách trong tỉnh tham gia trải nghiệm khám phá vào các dịp sinh nhật, lễ hội, hoặc cuối tuần hội họp vui chơi giải trí cùng gia đình bạn bè, đặc biệt là các bạn trẻ  đến chekin, tham quan, du lịch và thu hút được lượng khách ngoài tỉnh, du khách nước ngoài thường xuyên đến làng du lịch, lưu trú dài ngày thì cần phải có những cảnh quan thiên nhiên tươi, xanh, sạch, đẹp và không gian vui chơi thoải mái, ấn tượng khó phai.

*Cách tiến hành:

-Huy động nguồn nhân lực trong làng tiến hành tôn tạo, sửa chữa, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên ưu đãi cho làng như lòng sông Đăk Bla, bờ kè đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát và rừng đầu nguồn luôn tươi xanh.

-Tiến hành trồng hoa dọc theo bờ kè sông tạo cảnh quan tươi đẹp đồng thời làm các nhà chòi, xích đu trên bờ kè cho du khách chụp hình, vui chơi, thư giãn giải trí gần gũi thiên nhiên.

-Phối hợp các hộ gần nhà rông hiến đất nhằm mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng, và tiến hành trồng cỏ thảm hoặc bê tông hóa qui hoạch, làm nhiều ghế đá, tượng gỗ, trồng cây xanh tạo điều kiện cho du khách đến làng du lịch tham quan vui chơi có thể nghỉ chân, thư giãn.

V.3.3. Giải pháp khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống của người Bahnar

*Mục đích: Nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của người Bahnar và đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị về văn hóa bản địa.

*Cách tiến hành:

 

 

- Thường xuyên tổ chức các lễ hội như: Lễ nước giọt, lễ mừng lúa mới, lễ thổi tai, lễ bổn  mạng, lễ cúng bến nước, lễ hội cồng chiêng, … giúp du khách trải nghiệm như là một thành viên của cộng đồng.

- Tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ nhằm thu hút sự hứng thú tham gia của du khách lưu trú và thi đua giữa các Homstay.

- Thiết kế chương trình “một ngày làm nông dân” qua các hoạt động như: thu hoạch nông sản, hái thảo dược, tham gia gieo hạt, học cách chế biến món ăn hoặc bào chế thuốc, học cách chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ các loại thảo dược.

- Hướng dẫn du khách chế biến những món đặc sản của Kon Ktu như cơm lam, gỏi lá, gà nướng muối é, cá sông nướng trên than củi, nấu trong ống lồ ô, măng le, lá mì, rau rừngtổ chức thi nấu ăn nhằm nâng việc giao lưu văn hóa giữa người dân bản địa và khách du lịch.

- Tổ chức cho du khách thực hành cùng nghệ nhân làm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, đan lát, đẽo tượng dân gian, làm mô hình nhà rông,  chế tác và chơi các loại nhạc cụ dân tộc như T'rưng, Tinning,…nhằm đem lại cho du khách sự hứng thú và hiểu nhiều hơn về bản sắc văn hóa cư dân bản địa.

V.3.4. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch

*Mục đích: Nhằm tạo ra một đội ngũ có chuyên môn phục vụ các hoạt động du lịch và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc đem lại những sản phẩm du lịch có trách nhiệm .

*Cách tiến hành:

- Trong làng hiện nay có anh A Kâm là người có trình độ tiếng anh và kỹ năng giao tiếp phục vụ du khách rất tốt vì thế sẻ vận động sự hỗ trợ của anh trong việc bồi dưỡng cho đội ngũ thanh thiếu niên trong làng các kĩ năng trên nhằm đáp ứng kích cầu, quảng bá du lịch.

- Mở các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn, phong cách phục vụ du lịch cho người lao động đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.

-Cần phải thành lập ban điều hành, quản lí các hoạt động du lịch và phân phối lợi ích kinh tế hợp lí cho cộng đồng.

-Cần phải thành lập các đội chuyên môn phục vụ du lịch như đội nấu ăn, đội hướng dẫn viên, đội chèo thuyền độc mộc, đội đan lát, đội dệt vải thổ cẩm, đội múa xoong, đọi chơi nhạc cụ dân tộc,…và các thành viên trong làng tùy theo năng lực, lứa tuổi sẻ được bố trí  một cách hợp lí khai thác tiềm năng sẵn có của nhân lực cộng đồng địa phương.

V.3.5. Giải pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

*Mục đích: Nhằm tạo ra các chuỗi sản phẩm phục vụ du lịch một cách đa dạng, phong phú, ấn tượng cho du khách và phát huy, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nghề thủ công truyền thống địa phương.

*Cách tiến hành:

- Tập trung các thợ thủ công cùng nghề với nhau tại một địa điểm rộng rãi thoáng mát sạch sẽ để cùng sản xuất và bán hàng lưu niệm cho du khách đồng thời cùng hướng dẫn cho du khách trải nghiệm, thực hành làm các sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương.

- Đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm với nhiều kích cỡ, màu sắc, công dụng và bắt mắt để du khách muốn mua rồi, mua nữa về làm quà cho người thân, bạn bè.

- Thiết kế các logo và slogan chính thức để in, chạm, khắc trên các sản phẩm thủ công như túi xách, bóp, ví, gối, và các mô hình nhà rông, thuyền độc mộc, gùi,….quảng bá hình ảnh đặc trưng và thương hiệu du lịch Kon Tum nói chung và Kon Ktu nói riêng.

V.3.6. Giải pháp hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

*Mục đích: Nhằm tạo ra dịch vụ du lịch chất lượng, thường xuyên đem lại thu nhập cho người dân địa phương góp phần xóa nghèo bền vững, phát triển kinh tế địa phương.

*Cách tiến hành:

-Đề nghị các cơ quan ban nghành địa phương đầu tư tu sửa, nâng cấp đường giao thông vào làng đảm bảo an toàn cho các phương tiện, thuận lợi cho quá trình vận chuyển, đi lại phục vụ du khách.

-Đề nghị chính quyền địa phương làm việc với công ty đang khai thác cát tại lòng sông Đăk Bla dọc theo đường vào làng, đảm bảo quá trình thi công vận chuyển cát không làm hư hại đường giao thông, không rơi vãi cát, nước thải làm ảnh hưởng đi lại của người dân địa phương và ảnh hưởng đến tâm lí du lịch, thưởng ngoạn của du khách.

-Kêu gọi sự chung sức của người dân trong làng tiến hành sửa chữa nhà Rông hiện tại đang bị hư hao mối mọt, rách vách.

- Cần phải hoàn thiện các homstay với đầy đủ các yêu cầu cơ bản cần thiết như nhà vệ sinh, nhà tắm, nước sạch, và các vật dụng sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa bản địa.

- Cần đầu tư dịch vụ y tế và phối hợp đông y trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp qua các dịch vụ như massage, bấm huyệt, tắm lá thuốc, ngâm chân thảo dượt thư giãn, xông hơi thuốc,…

VI. KẾT LUẬN

Du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia một cách chủ động, tích cực từ khâu tổ chức, quản lý, giám sát và phần lớn lợi ích thuộc về cộng đồng… Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng có thể hình thành và phát triển, cần đảm bảo một số điều kiện như: thái độ, khả năng ứng xử của cộng đồng phải thân thiện, dễ gần; vị trí, khả năng tiếp cận điểm đến thuận lợi; khả năng cung ứng các dịch vụ đồng bộ và đặc biệt phải có tài nguyên du lịch phong phú đa dạng, hấp dẫn.

Để có cơ sở xác lập các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại làng Kon Ktu, chúng em đã tiến hành phân tích các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng như: điều kiện về tài nguyên du lịch; yếu tố cộng đồng dân cư (thái độ, khả năng của cộng đồng); khả năng tiếp cận; khả năng cung ứng các dịch vụ du lịch; chính sách phát triển du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá.

Khả năng tiếp cận Kon Ktu tương đối thuận lợi, các tuyến đường kết nối dễ dàng tới các khu, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đến Kon Ktu ngày càng có xu hướng tăng và muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây và sử dụng các dịch vụ do cộng đồng cung cấp. Mặt khác, người dân địa phương có thái độ thân thiện, dễ gần với khách du lịch. Đây là lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Khả năng cung ứng các dịch vụ du lịch như ăn, nghỉ, vui chơi giải trí… tuy chưa đầy đủ, đồng bộ nhưng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, điều kiện này Kon Ktu  cần tiếp tục cần cải thiện trong thời gian tới để nâng cao khả năng cung ứng các dịch vụ cho du khách.

Nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch tại Kon Ktu cho thấy du lịch cộng đồng đang hình thành và thu hút lượng khách du lịch tương đối lớn, trong đó khách du lịch quốc tế ngày càng tăng. Tuy nhiên so với các nguyên tắc phát riển du lịch cộng đồng thì chưa hoàn toàn đảm bảo. Chủ yếu là chưa thu hút được người dân tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Đặc biệt vai trò của cộngđồng còn mờ nhạt trong quá trình lập kế hoạch và điều hành các hoạt động du lịch.

Du lịch phát triển đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường văn hóa, và đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Du lịch phát triển tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc và nâng cao tầm hiểu biết và ý thức bảo vệ  tài nguyên du lịch và môi trường cộng đồng địa phương.

Để đảm bảo các hoạt động du lịch đang diễn ra ở đây phát triển theo đúng các nguyên tắc của du lịch cộng đồng, thu hút được người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức quản lí, đào tạo lao động du lịch, hỗ trợ cộng đồng địa phương, xúc tiến quảng bá,…

Để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, các cấp chính quyền, các sở ban ngành cần có chính sách ưu tiên phát triển du lịch. Cộng đồng địa phương cần không ngừng nêu cao nhận thức và năng lực bản thân, trau dồi kiến thức du lịch, đặc biệt là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách. Các doanh nghiệp du lịch sử dụng lao động địa phương, sử dụng nguyên liệu phục vụ du lịch do cộng đồng cung cấp, phổ biến kinh nghiệm làm du lịch, chia sẻ lợi ích từ du lịch cho cộng đồng địa phương là việc làm quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chỉ có như vậy du lịch cộng đồng mới phát triển hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cộng đồng địa phương.

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ);

- Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam (Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ);

- Đề án phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 (Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh Kon Tum);

- Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Báo cáo hàng năm của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.

- Các tài liệu khác.

 

 





Đăng nhận xét

0 Nhận xét