NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT: SỐ HÓA LÀN ĐIỆU HÁT RU TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI BAHNAR Ở KON TUM

 

ĐỀ TÀI

SỐ HÓA LÀN ĐIỆU HÁT RU TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI BAHNAR Ở KON TUM


 

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

     Dân tộc Bahnar là một dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực Đông Bắc Tây Nguyên, có số dân đông nhất trong các dân tộc sử dụng ngôn ngữ Môn- Khơ me ở Tây Nguyên. Tại tỉnh Kon Tum, người dân Bahnar chung sống ôn hòa, bình đẳng với các dân tộc anh em như người Kinh, Người Gia- rai,...Họ sống chủ yếu ở hai bên bờ sông Đak Bla.

     Trong cuộc sống hàng ngày, trong các lễ hội, đồng bào Bahnar có thể thiếu áo, váy mặc đẹp, thiếu cơm thịt thơm ngon nhưng không thể thiếu được lời ca, tiếng hát. Qua những khúc hát ấy, mọi người thêm gần gũi, hiểu nhau hơn và quên đi những mệt nhọc trong lao động; đồng thời, mỗi bài hát này cũng chính là những bài học đạo đức, giáo dục con người sống nhân ái hơn, bao dung hơn, yêu thương nhau hơn, lạc quan hơn, yêu lao động hơn… Điều đặc biệt là trong mỗi người dân, hầu như ai cũng có khả năng ứng tác; mọi thứ mình làm, mình thấy đều có thể vận vào các làn điệu sẵn có để trở thành những bài hát mộc mạc, bình dị.

      Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kon Tum, sống gần gũi với những người

Bahnar hiền lành, chất phác nên chúng tôi có cơ hội giao lưu văn hóa cồng chiêng với người Bahnar trên địa bàn thành phố Kon Tum. Chúng tôi được gặp gỡ tiếp xúc với các nghệ nhân người Bahnar; được nghe họ đánh chiêng, hát dân ca bằng tiếng Bahnar; nghe kể chuyện cổ Bahnah... Được biết người Bahnar có kho tàng văn hóa phong phú: văn học (sử thi, truyện cổ, câu đố,...), nghệ thuật (múa xoang, tấu cồng chiêng, chơi đàn T’rưng, đàn ĐinhPơl,...), kiến trúc (nhà rông, nhà sàn,...), lễ hội (bỏ mả, mừng lúa mới...). Là dân tộc thiểu số tại chỗ có dân số khá đông ở Kon Tum, dân tộc Bah Nar cũng là chủ nhân của những sắc màu văn hóa đặc trưng, với kho tàng văn nghệ dân gian hết sức phong phú, tiêu biểu; trong đó phải kể đến hát ru, với những nét riêng, độc đáo. Với kho tàng đồ sộ như thế chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những giai điệu hát ru truyền thống của họ. Lời hát ru vừa mộc mạc, đơn sơ nhưng đủ để thấm vào lòng người.

    Chúng tôi đã thực hiện chuyến đi khảo sát về thực trạng lời hát ru ở các làng như Kơ pâm, KonKlor. Đa phần khi được hỏi về những lời hát ru thì chỉ có một vài người già là còn nhớ, còn những người trẻ hôm ấy chúng tôi gặp đều nói họ ru con, ru em bằng máy điện thoại thông minh với những bài hát đã được cài đặt sẵn. Điều này chứng tỏ đại bộ phận thanh thiếu niên, nhi đồng người Bahnar hầu như không hề biết đến thể loại hát ru truyền thống của dân tộc mình.

     Từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài: "Số hóa làn điệu hát ru truyền thống của người Bahnar ở Kon Tum" để khảo cứu, sưu tập và số hóa với mong muốn: Góp thêm những giai điệu, âm hưởng quen thuộc vào đời sống tinh thần của người trẻ Bahnar. Từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn những làn điệu hát ru đang dần bị lãng quên của dân tộc mình.

2. Mục đích nghiên cứu

      Đưa một số bài hát ru của người Bahnar không còn lưu truyền, chỉ còn tồn tại dưới hình thức truyền miệng để số hóa dưới dạng audio và bản nhạc cụ thể, tường minh vào đời sống tinh thần của trẻ em Bahnar trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống nói chung, hát ru của người Bahnar nói riêng, đồng thời làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tinh thần của trẻ em dân tộc thiểu số Bahnar.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là tìm hiểu, số hóa các làn điệu hát ru của người Bahnar xưa.

    Phạm vi nghiên cứu đề tài giới hạn ở phương diện tìm kiếm, sưu tầm và số hóa những làn điệu hát ru đã và đang bị lãng quên. Đồng thời phạm vi nghiên cứu cũng chỉ áp dụng với các làn điệu hát ru truyền thống của người Bahnar trên địa bàn tỉnh Kon Tum chứ không áp dụng với các bài hát ru ở những dân tộc khác.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

     - Trực tiếp tiếp xúc đồng bào Bahnar trên địa bàn tỉnh Kon Tum để tìm hiểu, sưu tầm các bài hát về hát ru của người dân tộc Bahnar.

     - Nghiên cứu thực trạng văn hóa âm nhạc truyền thống của bộ phận người trẻ Bahnar.

     - Nghiên cứu đề xuất các biện pháp để số hóa các làn điệu hát ru của người Bahnar bằng cách ghi âm, ghi hình và ký âm lại thành bản nhạc để có thể thuận tiện cho lưu trữ, nghiên cứu và giữ gìn nét văn hóa truyền thống hát ru.

5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng một số phương pháp sau:

           - Phương pháp khảo sát thực tế, điền dã thực tế.

           - Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh.

           - Phương pháp nghiên cứu tài liệu.

           - Phương pháp số hóa.

6. Đóng góp của đề tài

          Đây là một đề tài mới và hiện nay chưa có đề tài nào nghiên cứu về việc sưu tầm và số hóa các làn điệu hát ru của người Bahnar. Vì thế, nếu chúng tôi thành công ở đề tài này sẽ góp phần làm dồi dào thêm kho tàng hát ru và nâng cao sự yêu thích những giai điệu hát ru truyền thống với trẻ em dân tộc Bahnar. Đồng thời, nguồn tài nguyên đã được số hóa này sẽ trở thành một kênh thông tin hữu ích và dễ tiếp cận đối với các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian.

 

II. PHẦN NỘI DUNG

Chương 1. Khái quát chung về thể loại hát ru và đặc điểm hát ru của người Bahnar

1.1.          Khái niệm về hát ru

         Hát ru là một thể loại nhỏ nhưng quan trọng trong thanh nhạc, thường được hát cho trẻ em nghe trước khi chúng ngủ. Quan niệm ở đây là bài ca được hát bằng một giọng hay và thân thuộc với bé sẽ ru bé đi vào giấc ngủ.

Xét về lịch sử ra đời, chưa có một nhà nghiên cứu nào khẳng định thời
điểm ra đời của hát ru mà họ đều cho rằng hát ru là một trong nhưng thể loại
âm nhạc dân gian ra đời từ rất sớm, bốn thiên niên kỷ trước, người Babylon
cổ đã bắt đầu sáng tác những bài hát ru như một món quà mà người mẹ dành
cho đứa con của mình. Đó là một phương tiện hữu ích đưa em bé vào giấc
ngủ, bằng những giai điệu riêng biệt. Người ta đã tìm thấy lời bài hát ru đầu
tiên với niên đại khoảng khoảng 2.000 trước Công nguyên được khắc trên
một phiến đất sét nhỏ vừa vặn lòng bàn tay. Bài hát được viết dưới dạng chữ
hình nêm, bút viết làm bằng cây sậy. Ở Việt Nam, hát ru cũng được nghiên
cứu từ nhiều năm trước, song để có một mốc son cụ thể để đánh dấu sự ra đời của hát ru thì chưa một nhà nghiên cứu nào dám khẳng định. Tồn tại song song với lịch sử ra đời của hát ru là khái niệm về thể loại này.

Tùy mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có điệu hát ru được gọi bằng những tên khác nhau và nét nhạc cũng mang màu sắc riêng, nhưng có những đặc điểm chung như: nét nhạc êm dịu, du dương, trìu mến, tiết tấu êm dịu, nhẹ nhàng, lời ca giàu hình tượng, dạt dào tình yêu thương tha thiết đối với em thơ, tất cả những yếu tố đó đã như đôi cánh nhẹ nhàng đưa em bé vào tổ ấm với giấc ngủ ngon lành. Đối với những người lớn, hoặc những thanh thiếu niên khi nghe hát ru ít nhiều được sưởi ấm, vỗ về bằng những tình cảm trìu mến của thời bé thơ, đều có cảm giác gợi nhớ những kí ức xa xưa, những tình cảm yêu thương thắm thiết cao đẹp của những người thân trong gia đình.Từ những nhận định trên cho thấy, hát ru là những bài hát trước hết dùng cho việc dỗ trẻ ngủ, có tiết tấu nhẹ nhàng, nét nhạc êm dịu du dương.

1.2. Nét nổi bật của hát ru

      Trong một cuộc khảo cứu, những trẻ sinh thiếu tháng được cho nghe các bài hát ru trong 5 phút, 6 lần mỗi ngày thì rõ ràng là lớn nhanh những đứa trẻ tương tự không được nghe hát ru (theo Chapman, 1975).

      Dưới góc độ khoa học thì hát ru là những kích thích rất có lợi không những với sự phát triển ngôn ngữ, tâm lí, sinh lí mà còn cả phát triển thể chất nữa. Đó là sự kích thích tiền đình và nhiều người đã xác nhận rằng những trẻ hằng ngày được kích thích bằng hát ru (khoảng 10 phút) thì phản xạ vận động tốt hơn nhiều so với trẻ không được nghe hát ru (theo nghiên cứu của Đại học Ohio).

      Nhịp điệu của bài hát đem lại cảm giác "an toàn" có thể vì làm nhớ lại nhịp điệu tim đập nghe được từ những ngày tháng còn trong lòng mẹ. Giọng nói, tiếng ru của mẹ bên tai cho trẻ biết đang được người bảo bọc ngay cạnh.

 1.3. Đặc điểm hát ru của người Bahnar

          Hát ru của người Bahnar có những nét riêng, trước hết là kiểu cách ru của họ. Đồng bào Bahnar không có nôi, không có võng, thậm chí giường nằm cũng không vì phải sống và lao động ở môi trường luôn có thú dữ rình rập nên đứa con phải ở luôn bên mình. Nhỏ thì cõng trên lưng, lớn thì dắt theo bên cạnh, đàn ông mang rựa ná đi trước, đàn bà mang gùi theo sau. Người mẹ vừa trỉa bắp, trỉa lúa vừa ru; vừa giã gạo, lấy nước vừa ru. Họ ru không chỉ bằng lời mà bằng cả hơi ấm và sự chuyển động của thân thể theo những tiết tấu nhịp điệu của lời ru, vừa êm ái lại vừa nhẹ nhàng.

Người Bahnar có quan niệm rằng, trẻ con vốn từ trời đất về với con người, có tai nhưng chưa biết nghe, sau lễ thổi tai người mẹ có nhiệm vụ phải “thông tai” cho con bằng những bài hát ngắn, mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc báo cho con biết con từ đâu đến, sẽ ở với ai và phải làm gì cho dân làng thương, làng quý. Lời hát như lời nhắn nhủ tâm tình chan chứa yêu thương.

Hát ru của người Bahnar không chỉ ở người mẹ mà ở cả người bà, người chị. Trẻ con là tài sản của làng, ai cũng phải có trách nhiệm nâng niu, bảo vệ. Bằng những lời hát ru mượt mà, êm ái và đầm ấm của chị, đứa em đã dần đi vào giấc ngủ say để  cho mẹ làm việc nhà, mẹ se chỉ dệt vải, mẹ đi làm ruộng, đi hái rau,… bố đi bắt ếch, bắt cá,…về cho chị em ăn, cho gia đình ăn. Công việc ru em, trông em tưởng chừng đơn giản nhưng không mấy dễ. Chị ru em phải nhẹ nhàng, khéo léo, cho em ngủ ngon giấc, không để em khóc.

1.4. Đối chiếu nét riêng đặc sắc so với hát ru của người Kinh

Từ bao đời nay, với các thế hệ người Việt Nam, giấc ngủ tuổi thơ luôn gắn liền với những lời ru êm đềm, ngọt ngào. Đó là tình yêu, là mạch nguồn sự sống, nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người. Với người Kinh, lời ru thường được cất lên bởi tiếng “ầu ơ…” của bà, của mẹ: “Ru con mẹ ru con, tiếng ru cả cuộc đời. Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời…”, “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy thức đủ vừa năm…”, “…Ngủ đi con, ngủ ngon lành. Lớn lên nối nghiệp cha anh thuở nào. Ngủ đi con, mẹ tự hào. Có con có cả đồng bào của con…”

Với người Bahnar ở Kon Tum, ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) - người say mê nghiên cứu, sưu tầm và khá am hiểu về văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum - cho chúng tôi biết: người Bahnar gọi hát ru là Hơlung oh, người Bahnar Rơngao gọi là Lông oh, đều có nghĩa là ru em. Và trong số các bài hát ru tiêu biểu của người Ba Na, phần lớn đều là “Mơmai hơlung”, có nghĩa là “Chị hát ru em” như: Nẽ nhâm oh ơi! Mẽ oei peh tra. Thẽng thẽng oh ơi. Mẽ oei jra hau …(Đừng khóc nữa em! Mẹ mắc giã lúa. Nín đi em ạ! Mẹ bận sàng gạo…); hoặc Nẽ nhâm oh ơi! Bă oei dăng năk. Thẽng thẽng oh ơi. Bă oei năk pam… (Đừng khóc em ơi! Cha bận giăng lưới. Thôi nín đi em. Cha mắc đặt đơm…); Nẽ nhâm ơ oh mã pơmãi eng kơdih.Thẽng thẽng ơ oh mẽ oei tanh brai wai khăn. Mẽ tanh ăn kơ ba mẽ wã pơyua kơ ũnh hnam.Thẽng thẽng eng oh eng bân đei khăn’ nao đei ao plâng…(Đừng khóc nữa em, em cưng của chị. Nín đi em, mẹ đang còn se chỉ dệt vải. Mẹ dệt chăn cho em và cho cả chúng ta. Nín đi em…).

Cũng không khó để lý giải về nét riêng này, bởi với người Ba Na và một số dân tộc thiểu số khác, trước đây do điều kiện cuộc sống khó khăn, đời sống lạc hậu, sinh đẻ nhiều, cha mẹ luôn phải tất bật với các công việc hàng ngày; đặc biệt, người mẹ thì lại vất vả nhiều hơn, từ việc đi lấy củi, lấy nước, đi hái rau rừng về nấu ăn, đến việc đi trỉa lúa, trỉa bắp ngoài nương rẫy, lúc rảnh rỗi mẹ lại cặm cụi xe chỉ dệt vải…, vì thế trong hầu hết các gia đình, chị gái thường là người phải thay mẹ trông em, ru cho em ngủ.

Ru em, trông em, công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không dễ chút nào. Phải thật kiên trì, khéo léo, chị mới có thể dỗ dành cho em hết khóc. Bằng tình thương, sự chịu đựng, bằng những câu hát mộc mạc, đơn sơ của chị kể về nỗi nhọc nhằn, về công việc hàng ngày của cha, của mẹ, dường như đã giúp em cảm nhận được, em không đòi theo cha mẹ lên nương rẫy nữa, em ngủ ngon để cha mẹ yên tâm đi làm: “…Thẽng thẽng oh thẽng. Tep dah tep eng oh eng. Bôh mẽ tõ đon, mẽ sớ ngon oh nhân lũk./… Nín đi em. Em hãy ngủ đi em cưng của chị. Đừng để mẹ bồn chồn khi nghe tiếng em khóc”…

 

Chương 2. Thực trạng đề tài và đề xuất giải pháp

2.1. Thực trạng việc hát ru ở đồng bào Bahnar Kon Tum

Nếu như trước kia, lời ru được cất lên bên mái tranh nhà rông, sau lũy tre làng, giữa trưa hè hay đêm đông là điều hết sức phổ biến thì ngày nay lời ru là của quý hiếm trong cuộc sống. Khó có thể tìm được một lời ru con nơi phố thị. Nhiều bà mẹ, ông bố trẻ quan niệm phải hát hay mới ru con. Điều đó không đúng, bởi giọng ru thể hiện phần lớn ở sắc thái tình cảm, có tình thương, sự chăm bẵm, đượm nồng mồ hôi của người lớn mà trẻ có thể cảm nhận được, trẻ sẽ có thói quen bén bện hơi hướng máu mủ ruột rà.

Trẻ em học sinh người Bahnar hiện nay hầu như không tiếp cận được với làn điệu hát ru của dân tộc mình. Các em mong muốn có những buổi giao lưu, tìm hiểu về những làn điệu hát ru truyền thống của bà của mẹ. Đồng thời thông qua những bài hát ru dễ thuộc, dễ nhớ các em cũng có cơ hội hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa sâu sắc mà bài hát muốn truyền đạt bao gồm cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Kinh.

Nguyên nhân của thực trạng:

          Nhịp sống hiện đại diễn ra hối hả cùng nhiều loại hình văn hóa giải trí hiện đại. Nhiều ca khúc mới đương đại nổi đình đám nhưng nghe một lần rồi trôi tuột đi. Lối sống hiện đại làm con người ít có điều kiện thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Cáu giận, tâm tính hay bức xúc, nóng nảy thường thấy ở tất cả các đối tượng, trong đó không ngoại trừ phụ nữ và trẻ em. Điều đó làm sâu sắc thêm hệ lụy tất yếu cho xã hội là nạn bạo hành gia tăng, tình trạng ly hôn, bất hiếu, cha mẹ chối bỏ con cái, trẻ em phạm tội,.. cũng gia tăng. Nhịp sống thường ngày ở nhiều khu dân cư đã mất hẳn tiếng ru êm đềm, thư thái mà thấm đẫm hồn dân tộc.

 Từ phía cộng đồng dân tộc người Bahnar, văn hóa hát ru đã dần bị mai một (văn hóa hát ru bị mai một vì đời sống hiện đại, những người già biết về hát ru mất đi, những người mẹ trẻ lại không mấy mặn mà trong việc tiếp nối truyền thống,...). Việc sưu tầm và lưu giữ làn điệu hát ru trong dân gian hầu như không được thực hiện, vì thế những làn điệu hát ru truyền thống đứng trước nguy cơ bị quên lãng.

 Từ bản thân các em – những thế hệ trẻ tương lai của đồng bào Bahnar tiếp xúc với âm nhạc một cách ồ ạt, chạy theo thị hiếu, các em hầu như không quan tâm đến âm nhạc truyền thống của dân tộc mình có gì, đang đứng trước nguy cơ bị mai một ra sao. Điều này cho thấy đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các làn điệu hát ru không có người tiếp nối, bảo tồn và gìn giữ.

Dẫn chứng cụ thể từ khảo sát thực tế:



Biểu đồ thể hiện số người biết về làn điệu hát ru

Qua biểu đồ trên, có thể nhận thấy: Số lượng người từ 8-15 tuổi hầu như không biết về hát ru. Số lượng người từ 15-55 tuổi có một vài người biết về hát ru nhưng họ chỉ biết một vài câu bập bẹ. Và số lượng người từ 55 tuổi trở lên đa số đều biết và có thể hát.

2.2. Đề xuất giải pháp

Lời ru đến nay chưa thể mất, nhưng theo chúng tôi, lời ru đang bị khuất lấp trong cuộc sống bề bộn, cần phải đánh thức bằng những biện pháp cụ thể như:

- Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thế hệ người dân về ý nghĩa, tác dụng, thực trạng mai một và sự cần thiết bảo tồn, phát huy lời ru hiện nay. Liên hoan hát ru và dân ca từ trước đến nay diễn nay ở khá nhiều địa phương, tổ chức, ban ngành. Ở hầu hết các cuộc liên hoan này, chất lượng hát ru, dân ca đều hoạt động ở tầm nghệ thuật, ấn tượng và thu hút đủ các giới, lứa tuổi tham gia. Các hoạt động ấy đều tạo điểm nhấn cho phong trào quần chúng hát ru. Phong trào này đã được khuấy động ở nhiều địa phương nhưng mới chỉ dừng lại trên sân khấu mà chưa được phổ biến thường xuyên trong cuộc sống.

- Thông qua các trang mạng xã hội phổ biến như “Kon Tum trong tôi”, “Tôi yêu Kon Tum” để đăng tải những video hình ảnh về hát ru. Điều này không chỉ giúp hát ru của người Bahnar đến gần hơn với cộng đồng người Kinh mà còn có giá trị to lớn trong việc quảng bá nét đẹp của văn hóa hát ru truyền thống của dân tộc Bahnar.

- Lời bài hát ru được tổng hợp dưới dạng tuyển tập nên được chia sẻ và truyền bá rộng rãi trong các tủ sách văn hóa của cộng đồng địa phương.

- Để góp phần lưu giữ và truyền bá các làn điệu hát ru một cách thuận lợi, chúng ta cần tiến hành số hóa cho phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.

Chương 3. Tìm hiểu về số hóa và phương pháp tiến hành số hóa

3.1. Số hóa là gì?

Số hóa là hình thức hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số. Chẳng hạn như số hóa tài liệu dạng giấy với nhiều khổ cỡ, xuất ra nhiều dạng tập tin khác nhau như tif, jpg, pdf, bmp.

3.2. Phương pháp tiến hành số hóa

   1. Tạo phụ đề chạy chữ cho mỗi bài hát bằng tiếng Bahnar và cả tiếng Việt nhờ phần mềm Aegisub.

   2. Ký âm và sử dụng phần mềm Encore để viết thành bản nhạc.

Chương 4. Kết quả nghiên cứu và đề xuất

4.1. Kết quả nghiên cứu

4.1.1. Số hóa làm điệu hát ru bằng văn bản

Tuyển tập gồm 11 bài hát ru của người dân tộc Bahnar được in thành 2 thứ tiếng Việt – Bahnar (trong đó có 3 bài chúng tôi sưu tầm và soạn theo lời của bà cụ Gyui – 65 tuổi ở làng Kơ pâm - TP Kon Tum, 2 bài chúng tôi sưu tầm và soạn theo lời của nghệ nhân Y Blưi – 70 tuổi ở làng Kơ pong – TP Kon Tum,  và 6 bài còn lại chúng tôi sưu tầm, tổng hợp từ nghệ nhân A Jai – 72 tuổi ở xã Ngọc Réo, huyện Đak  Hà – TP Kon Tum).

4.1.2. Số hóa làn điệu hát ru thông qua ký âm thành bản nhạc:

Hai bài hát ru em "Lung oh" và "Holung Oh" đã được ký âm và số hóa thông qua phần mềm Encore tạo thành bản nhạc hoàn chỉnh và tường minh dễ dàng tiếp nhận dưới nhiều hình thức.

 




4.2. Tính mới của đề tài

Mang làn điệu hát ru truyền thống của người Bahnar đến gần hơn với trẻ em Bahnar dưới hình thức âm nhạc để đưa vào những buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp hoặc là những buổi sinh hoạt địa phương. Điều này góp phần giáo dục, nâng cao tính cảm xúc thm mĩ cho các em thông qua các câu hát giản dị mà chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Tuyển tập 11 bài hát ru song ngữ Việt – Bahnar vừa giúp trẻ em Bahnar tiếp cận với giai điệu hát ru quen thuộc của dân tộc mình, vừa rèn luyện thói quen gìn giữ âm nhạc truyền thống. Đồng thời, tuyển tập này không chỉ được truyền bá đến các trẻ em Bahnar mà còn mở rộng hơn đến với các trẻ em dân tộc khác. Khơi dậy trong các em niềm tự hào về kho tàng dân ca cụ thể là làn điệu hát ru truyền thống của dân tộc mình, từ đó giúp trẻ em Bahnar có ý thức lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.

Đặc biệt, đề tài đã đề xuất được một giải pháp số hóa làn điệu hát ru bằng cách ký âm lại và dùng phần mềm Encore chuyển thành bản nhạc số để thuận tiện hơn cho việc lưu trữ, nghiên cứu và truyền bá.

 

III. PHẦN KẾT LUẬN

Đề tài " Số hóa làn điệu hát ru truyền thống của người Bahnar ở Kon Tum" có ý nghĩa thiết thực trong đời sống văn hóa tinh thần của giới trẻ, đặc biệt là với trẻ em Bahnar. Bởi những bài hát được sưu tầm và chọn lọc phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn với đời sống văn hóa của người Bahnar.

Với các sản phẩm:

- Tuyển tập gồm 11 bài hát ru của người dân tộc Bahnar được in thành 2 thứ tiếng Việt – Bahnar (trong đó có 3 bài chúng tôi sưu tầm và soạn theo lời của bà cụ Gyui – 65 tuổi ở làng Kơ pâm - TP Kon Tum, 2 bài chúng tôi sưu tầm và soạn theo lời của nghệ nhân Y Blưi – 70 tuổi ở làng Kơ pong – TP Kon Tum,  và 6 bài còn lại chúng tôi sưu tầm, tổng hợp từ nghệ nhân A Jai – 72 tuổi ở xã Ngọc Réo, huyện Đak  Hà – TP Kon Tum).

- Hai bản nhạc "Lung oh" và "Holung Oh" được số hóa dưới dạng encore khuôn nhạc hoàn chỉnh và tường minh dễ dàng tiếp nhận dưới nhiều hình thức. Chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao văn hóa nghe nhạc truyền thống, nâng cao sự hiểu biết về văn hóa truyền thống cho giới trẻ Bahnar và học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đề tài của chúng tôi hoàn thành là do sự nỗ lực, tâm huyết của bản thân chúng tôi, sự tận tình của giáo viên hướng dẫn, sự hỗ trợ, động viên của Ban giám hiệu trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Đồng thời chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân làng Kơ pâm và KonKlor trong quá trình đi khảo sát, các cô chú tại thư viện tỉnh Kon Tum.

Tuy vậy đề tài của chúng tôi vẫn chưa được hoàn thiện như mong muốn. Vì thế chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia thẩm định, các thầy cô giáo để đề tài hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

------------------------------------------

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét