NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT: Đề tài: “Tìm hiểu các di tích lịch sử tại địa phương là trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng ta”

 

 




 


                                                             

BẢN THUYẾT TRÌNH VÀ MÔ TẢ GIẢI PHÁP DỰ THI HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT TỈNH KONTUM.

A. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

            Di tích là di sản, "tiếng vang" của quá khứ, thế nên ở bất cứ quốc gia nào di tích cũng được trân quý. Nhìn vào một di tích người ta có thể nhận ra trình độ phát triển trong quá khứ của một dân tộc, cộng đồng dân cư, tìm thấy những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần trăm năm, ngàn năm chưa phai nhạt. Nhận thức rõ giá trị cốt lõi của di tích, từ lâu, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách, đầu tư nguồn lực để bảo tồn di tích trên khắp đất nước, di tích được khai thác, phát huy giá trị sẽ trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước.

            Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới ngày càng "phẳng", những giá trị chung toàn cầu ngày càng lan tỏa, trở nên phổ quát, thì việc gìn giữ những nét văn hóa riêng biệt, nhất là những di tích hữu hình càng trở nên quan trọng. Di tích tồn tại, chúng ta còn có thể trao gửi lại niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, góp phần vào việc gìn giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, không để “hòa tan” trong thế giới hội nhập hiện nay.

Kon Tum là một Tỉnh Tây Nguyên, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với số lượng phong phú về di tích lịch sử, văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 25 di tích đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh tính đến năm 2019. Trong quần thể di tích lịch sử ở Tỉnh Kon Tum nổi trội hơn là Di tích lịch sử Ngục Kon Tum và Di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.

 Nhận thức tầm quan trọng của di tích lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc trên địa bàn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc.  Do đó, việc nghiên cứu các di tích lịch sử tại địa phương là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.Từ những lý do nêu trên, em chọn đề tài  Tìm hiểu các di tích lịch sử tại địa phương là trách nhiệm của thế hệ trẻ của chúng ta”.

B. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU, VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU.

Câu hỏi nghiên cứu: Đề tài tập trung vào 02 câu hỏi nghiên cứu sau.

- Biện pháp nào giúp các bạn hiểu được các thông tin về những di tích lịch sử tại địa phương?

- Làm cách nào giúp các bạn nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước, tự hào với quê hương nơi mình đang sống.

Vấn đề nghiên cứu:

- Thứ nhất, tập trung nghiên cứu về tầm quan trọng và ý nghĩa các di tích lịch sử tại địa phương nói chung,  di tích Ngục Kon Tum và di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh nói riêng.

- Thứ hai, không chỉ chọn các bạn học sinh của một khối nghiên cứu mà còn có sự khảo sát, phỏng vấn các bạn học sinh ở các khối khác để có cách nhìn nhận và đánh giá khách quan hơn về những tầm quan trọng và ý nghĩa các di tích lịch sử.

- Thứ ba, chọn các bạn học sinh khối 10, 11,12 làm đối tượng nghiên cứu chính vì các di tích này có trong tiết học lịch sử địa phương của phân phối chương trình môn lịch sử, nên các bạn phản ánh đúng hơn về ý nghĩa các di tích lịch sử địa phương.

- Thứ tư, nâng cao ý thức giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh ở Kon tum

Mục đích nghiên cứu

- Bản thân các bạn học sinh nhận thức đúng về tầm quan trọng, ý nghĩa của các di tích lịch sử tại địa phương từ đó xác định được thái độ và nhiệm vụ của học sinh ở hiện tại và trong tương lai.

- Yêu thích môn học và biết vận dụng kiến thức liên môn Giáo dục công dân, địa lý, Ngữ văn, làm cho bộ môn trở nên hấp dẫn, sinh động hơn.

- Điều chỉnh thái độ hành vi đúng đắn và có ý thức bảo vệ truyền thông yêu nước của dân tộc ta.

- Phê phán những nhận thức và hành vi lệch lạc, sai trái về quan niệm không đúng trong điều kiện hiện nay.

C. THIẾT KẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

- Nghiên cứu lý thuyết: nghiên cứu nội dung kiến thức di tích Ngục Kon Tum, di tích Tượng đài chiến thắng Đăk Tô -Tân cảnh, từ báo chí, sách tham khảo, mạng internet, sách giáo khoa…về các vấn đề sau:

+ Tìm hiểu khái quát ý nghĩa lịch sử về di tích Ngục Kon Tum, chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

+ Tìm hiểu về tù chính trị ở Ngục Kon Tum bị đối xử như thế nào

+ Ý nghĩa của cuộc đấu tranh lưu huyết và các chiến sĩ đã hy sinh.

+ Tinh thần đấu tranh anh dũng, hy sinh của quân và dân Kon Tum trong trận chiến tại Đăk Tô- Tân Cảnh.

+  Trách nhiệm của học sinh với truyền thống đấu tranh của dân tộc ta.

- Nghiên cứu thực tiễn:           

+ Đưa các bạn đi trải nghiệm thực tế tại 2 di tích lịch sử; Ngục Kon Tum và Tượng đài chiến thắng Đăk Tô- Tân cảnh, qua đó các bạn viết bài thu hoạch của chuyến đi

+ Gặp gỡ nhân chứng lịch sử trong trận Đăk Tô – Tân cảnh năm 1972

+ Lựa chọn các hình thức tổ chức tuyên truyền về giá trị di tích trong nhà trường như lồng ghép trong tiết dạy lịch sử địa phương, làm bảng tin treo trong lớp và dán bảng tin nhà trường, tổ chức trong buổi ngoại khóa.

- Giới hạn về thời gian nghiên cứu.

+ Từ tháng 3/ 2018  đến tháng 2 /2020

D. TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU

I. TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ MỸ.

I. 1. Một số sự kiện lịch sử nổi bật trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

I.1.1. Giới thiệu khái quát về Ngục Kon Tum

Hiện nay, Di tích lịch sử Ngục Kon Tum nằm trên đường Trương Quang Trọng, thuộc tổ 1 phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, có diện tích trên 30.000m2.

Trong công cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống chế độ thuộc địa, thực dân Pháp đã sử dụng mọi hình thức thâm độc, tàn bạo để tiêu diệt lực lượng yêu nước và cách mạng, nhất là tiêu diệt các chiến sĩ tiên phong tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng. Đi cùng với đó là hệ thống nhà tù, trại giam do chính quyền thực dân dựng lên hầu khắp cả nước dọc từ Bắc chí Nam, trong đó có nhà Ngục Kon Tum.

Từ năm 1930 đến 1933, tại Nhà Ngục Kon Tum thực dân Pháp đã đưa trên 500 từ chính trị từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên … giam giữ và lao động khổ sai trên trục đường 14 ở Kon Tum. Chúng cho rằng, Kon Tum là địa bàn hiểm  trở, cách xã với đồng bằng, có nhiều dân thiểu số sinh sống. Sự bất đồng ngôn ngữ, địa hình chia cắt, núi non hiểm trở... nên việc tìm đường trốn thoát của những người tù là điều không thể. Kon Tum lại cách xa với đồng bằng và thành thị sẽ là nơi để cách ly những người cộng sản với phong trào cách mạng đang lên ở nước ta. Và đặc biệt Kon Tum được mệnh danh là nơi “rừng thiên nước độc”, bởi thổ nhưỡng, sốt rét, bệnh tật… sẽ giết dần, giết mòn tù chính trị mà không cần dùng đến bạo lực…  Chính vì lẽ đó, Kon Tum trở thành nơi giam giữ và đày ải tù chính trị nhiều nhất trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Nói đến di tích lịch sử nhà Ngục Kon Tum là nói đến cả một quần thể di tích bao gồm nhà Lao Trong và nhà Lao Ngoài. Nhà Lao Tỉnh Kon Tum và nhà Lao chính trị phạm nằm trên trục đường Trương Quang Trọng, thành phố Kon Tum, dọc theo dòng sông Đăk Bla, chảy ngược về hướng Tây Nam của tỉnh Kon Tum, đổ ra sông Sê San và chảy về Mê Kông.

Nhà Lao được xây dựng theo kiểu pháo đài Vô băng của Pháp, với bốn dãy nhà liền nhau, tạo thành một khối hình vuông, mái lợp ngói, tường trét đất, hai góc nhà Lao có hai chòi gác và chỉ có một cửa ra vào. Mỗi dãy nhà giam có chiều rộng 3,5m, trong đó dành 2m lát ván nằm cho tù nhân, 1,5m là đường đi lại. Hai đoạn đầu của 2 dãy nhà ngang dọc ấy ngăn thành 4 phòng nhỏ hẹp, 3 phòng để giam tù và một phòng cạnh cổng ra vào là nơi làm việc của xếp lao.

Thực hiện âm mưu tội ác của thực dân Pháp cũng như để giam cầm các tù chính trị bị bắt trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), tháng 3 năm 1931 thực dân Pháp lại tiếp tục cho xây dựng thêm một Lao ngoài thị xã Kon Tum nằm gần sông Đăk Bla, cách nhà Lao Trong khoảng 1km, với tên gọi là nhà Lao chính trị phạm (ta thường gọi là Lao ngoài).

Những tù nhân ở đây phải sống trong chế độ giam giữ hết sức khắc nghiệt và đầy dã man. Những khẩu phần ăn vô cùng tồi tệ, cơm pha trấu, mắm pha dòi. Cùng với mục đích trừng trị tù nhân về tội chống lại ách thống trị, bóc lột của chế độ thực dân, người Pháp còn nhằm bóc lột sức lao động của họ vào việc mở đường 14 đoạn Đăk Tô - Đăk Glei để chúng tiện đưa quân đi đàn áp, thực hiện mục đích khai thác thuộc địa không những trong tỉnh Kon Tum mà sang cả nước bạn Lào.

Nếu tính từ năm 1930 đến năm 1935, số lượng tù đã chết trong quá trình giam giữ tại Nhà Ngục Kon Tum lên đến 300 người. Trong đó, từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, đã có 210 tù nhân trong số 295 tù chính trị bị chúng thủ tiêu và chết trong quá trình làm đường từ Đăk Pao, Đăk Tao đến Đăk Pét và trong hai cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực vào ngày 12/12/1931 và ngày 16/12/1931 đã có 15 người chết và 15 người bị thương.

 Có thể nói, Ngục Kon Tum là nơi giết người không gớm tay của chế độ thực dân và phong kiến Nam triều. Nếu so một số nhà Lao như: Hỏa Lò, nhà Lao Vinh, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột…, thì không có nhà lao nào có số lượng tù bị giết nhiều như ở nhà Ngục Kon Tum.

Tuy đã thực hiện nhiều chính sách đàn áp, dã man, đầy tội lỗi nhưng thực dân Pháp vẫn không dập tắt được ý chí, tinh thần đấu tranh, lòng yêu nước của những người cộng sản, của nhân dân Việt Nam. Trong chốn lao tù, họ vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi, nuôi dưỡng ý chí chiến đấu, biến nhà tù thành trường học cách mạng, biến ý chí thành hành động. Từ đó, đồng chí Ngô Đức Đệ là tù chính trị, thực dân Pháp đã giam riêng đồng chí bên cạnh phòng làm việc của xếp lao Huỳnh Đăng Thơ (tức đội Phụng - đội Thơ). Nhưng sự việc lại diễn ra hoàn toàn trái với ý đồ của địch. Chúng không ngờ rằng chính trong điều kiện tưởng chừng như không thể, Hạt giống đỏ cách mạng lại được bén rễ, đâm chồi trên mảnh đất này. Tại đây, với tinh thần của người đảng viên Cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tìm cách gần gũi, tuyên truyền cảm hóa được các ông đội, ông cai rồi đi đến việc vận động thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum ngay tại nhà Ngục Kon Tum (vào cuối tháng 9 - 1930). Chi bộ gồm 4 đảng viên: Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ), do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đến đầu tháng 3 - 1931 chi bộ đã phát triển được 17 đồng chí. Sự ra đời của các chi bộ Đảng Cộng sản ở Kon Tum là sự kiện có tính bước ngoặt trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó còn có nhiều đội ra đời chống lại thực dân Pháp như Đội cảm tử, Đội quyết tử và thành lập nhiều tổ chức thơ văn ngay trong lao tù như Tao đàn ngục thất, Ngọ báo trong tù...

Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của các tù chính trị tại nhà Ngục Kon Tum cũng như dư luận trong và ngoài nước về những tội ác của thực dân Pháp, đến năm 1933, thực dân Pháp đã đưa toàn bộ tù chính trị còn lại ở Nhà ngục Kon Tum sang giam tại Nhà lao Buôn Ma Thuột, Nhà lao Vinh... sau đó chúng bãi bỏ Nhà ngục Kon Tum (tức Nhà lao chính trị phạm).

I.1.2. Ý nghĩa, giá trị lịch sử Ngục Kon Tum.

Một là, Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên.  Tháng 6 năm 1930, khi Pháp đưa người tù chính trị đầu tiên đến đây còn phải giam chung với tù thường phạm tại nhà Lao tỉnh (hay còn gọi là Lao Trong). Cho đến tháng 3 năm 1931, Pháp tiến hành xây dựng một nhà lao ở ngoài bờ sông Đăk Bla với tên gọi là Lao Chính trị phạm (hay còn gọi là Lao Ngoài) để giam giữ chủ yếu tù chính trị được đưa từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Phú Yên… Lúc này, Pháp cũng khởi động việc lập nhà lao Buôn Ma Thuột. Nhưng tính đến giai đoạn này nhà lao Buôn Ma Thuột vẫn đang trong thời kỳ củng cố từ Lao thường phạm cũ, chưa tổ chức giam giữ tù chính trị như ở Kon Tum. Do vậy, có thể nói Nhà Ngục Kon Tum là nơi đầu tiên giam giữ tù chính trị trên khu vực Tây nguyên. Đến cuối năm 1933, khi nhà tù Buôn Ma Thuột được kiện toàn thì Pháp mới chuyển hết tù chính trị ở Kon Tum sang đó để phi tang dấu tích tội ác của chúng tại Nhà Ngục Kon Tum.

Hai là, Trong giai đoạn năm 1930-1933, Nhà ngục Kon Tum được coi là nơi giam giữ tù chính trị nhiều nhất và là “lò giết người” nhiều nhất trong cả nước đối với tù chính trị phạm. Tính đến năm 1933, số lượng tù chính trị ở Kon Tum đã lên đến con số 500 tù, trong khi đó nhà Đày Buôn Ma Thuột tính đến năm 1935 số lượng tù là 399 người. Đối với nhà tù Lao Bảo cho đến năm 1931 Khâm sứ Trung kỳ Saten (Chatel) mới lệnh cho Công sứ Quảng trị mở rộng quy mô và kiên cố để giam cầm những đoàn tù chính trị từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… và những tù nhân đã tham gia trong các cuộc đấu tranh ở Nhà Ngục Kon Tum (12/1931) nhưng cả ba lao chỉ giam được gần 180 tù nhân.

Theo Hồi ký “Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum”[1] của Ngô Đức Đệ đã viết: So với các nhà đày như Sơn La, Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, Côn Đảo riêng trong năm 1931, chỉ trong vòng 6 tháng mùa mưa đã có trên 210 người trong tổng số 295 người đã chết (chiếm hơn 2/3) và tiếp sau đó, chỉ trong vòng 5 ngày (12/12 đến ngày 16/12/1931) đã có 15 người chết và trên 20 người bị thương trong cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực tại Nhà Ngục Kon Tum.

Ba là, Nhà Ngục Kon Tum là nơi ra đời cơ sở Đảng sớm nhất ở Tây Nguyên. Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào tháng 9 năm 1930 với tên gọi là “Chi Bộ Binh. Tại phòng biệt giam của mình - đồng chí Ngô Đức Đệ (quê Hà Tĩnh) đã tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum (Chi bộ binh) với các đảng viên tiền thân là những cai, đội trong hàng ngũ binh lính địch như: Đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ). Đây là chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam độc đáo nhất được hình thành trong sào huyệt của địch trong phong trào cách mạng những năm 1930-1931 ở nước ta. Sự ra đời của các chi bộ Đảng Cộng sản tại Kon Tum là sự kiện có tính bước ngoặt, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với phong trào đấu tranh cách mạng tại đây; tạo cầu nối giữa cách mạng Kon Tum với phong trào cách mạng cả nước và có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.

Bốn là, Nhà Ngục Kon Tum là nơi phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt nam. Mặc dù bị đày đoạ, bị đàn áp dã man, những người tù chính trị tại nhà Ngục Kon Tum đã thể hiện rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chí dũng kiên cường của những người tù cộng sản trong chốn lao tù, đã đập tan mọi âm mưu và chính sách lao tù và khổ sai của chủ nghĩa thực dân thời bấy giờ ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Nơi đây đã hung đúc ý chí cách mạng cho nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú, kiên trung, sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí ấy đã có những cống hiến to lớn và quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước sau này như: Hồ Tùng Mậu – Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ; Lê Văn Hiến – Nguyên Bộ Trưởng Bộ Tài Chính - Đại sứ đặc mệnh tại Lào; Lê Viết Lượng – Nguyên Tổng đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Ngô Đức Đệ  - Nguyên Khu uỷ viên Khu V; Bùi San – Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế...

            Năm là, Nhà Ngục Kon Tum chính là nơi khơi nguồn cho dòng chảy văn học nghệ thuật và báo chí nói chung, trong đó văn học nghệ thuật và báo chí cách mạng - yêu nước nói riêng ở Kon Tum. Với năng lực sáng tạo, lý tưởng yêu nước, họ đã hình thành ngay trong lòng tù ngục một phong trào sáng tác và phổ biến tác phẩm với nội dung yêu nước, cách mạng và lên án tội ác thực dân Pháp, để động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh chung của các đồng chí trong tù thông qua hội “Ngục thất tao đàn”.

I.2. Tìm hiểu về Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh

I.2.1. Giới thiệu khái quát về di tích

Di tích Đăk Tô - Tân Cảnh nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Kon Tum thuộc Khu phố 7 thị trấn Đăk Tô và xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, với diện tích 237.5002m2.

Đăk Tô - Tân Cảnh là địa bàn chiến lược quan trọng nằm ngay trên trục đường 14 và đường 18, cách thành phố Kon Tum 40 km, cách Việt Nam - Lào và Campuchia khoảng 40km về phía Tây, án ngữ ở phía Bắc Tây Nguyên.

Chính vì vậy, Mỹ nguỵ đã tiến hành xây dựng nơi đây thành một căn cứ mạnh nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực phía Bắc Tây Nguyên cũng như vùng Hạ Lào và Đông bắc Campuchia.

Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ nguỵ đã cho xây dựng nhiều căn cứ quân sự tại đây như Căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2 ở trung tâm - là đại bản doanh của Sư đoàn 22; Trung đoàn 42 bộ binh, Trung đoàn 14 Thiết giáp, Lực lượng Biệt động quân Biên phòng và 5 tiểu đoàn pháo binh… Ở bờ Tây sông Pô Kô, chúng xây dựng các căn cứ lớn như Căn cứ Charlie (điểm cao 1015), Căn cứ Hoả lực (Dalta, Hồng Hà, Mê Trô) …nằm dọc trên các dãy núi Ngok Ring Rua, Ngok Bờ Biêng; dọc theo biên giới Việt Nam - Lào là nơi đóng quân các tiểu đoàn Biệt động quân 62 (cứ điểm Plei Kleng), Tiểu đoàn 95 (Ben Hét hay còn gọi là Cứ điểm Plei Kần), Tiểu đoàn 88 (Cứ điểm Đăk Pek); đi về phía Đông nam có Bộ chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, Căn cứ Non Nước, cứ điểm Măng Đen, Măng Buk …tạo thành một hệ thống liên hoàn khép kín, trở thành một cụm cứ điểm mạnh nhất của Mỹ-nguỵ ở Bắc Tây Nguyên.

Căn cứ 42 Tân Cảnh là trung tâm chỉ huy của tập đoàn phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, đây còn là căn cứ hậu cần và nơi xuất phát các cuộc hành quân của địch ra vùng ba biên giới. Nó được xây dựng làm căn cứ cho Trung đoàn 42 Ngụy. Từ khi ta mở chiến dịch Xuân hè 1972 đánh vào tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô-Kô (cao điểm 1015, 1049...) địch vội vã tăng cường lực lượng cho Đăk Tô - Tân Cảnh, biến căn cứ 42 thành chỉ huy sở (CHS) Sư đoàn bộ binh (BB22), có 20 tên cố vấn Mỹ giúp đỡ, đồng thời cũng đặt ở đây chỉ huy Sở một số đơn vị khác.

Dựa vào thế núi non hiểm trở, sông suối bao quanh Đăk Tô - Tân Cảnh, đã tạo cho Căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh một nơi đóng quân lý tưởng nhất. Vì vây, chúng cho rằng: "Bao giờ nước sông Pô-Kô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Đăk Tô - Tân Cảnh".

Trấn giữ Căn cứ 42 là chỉ huy Sở Sư đoàn 22, chỉ huy Sở Trung đoàn 42, chỉ huy Sở Trung đoàn 14 thiết giáp, chỉ huy Sở  Biên phòng Kon Tum, 3 chỉ huy các tiểu đoàn 1, 2 và 4/e42, 1 đại đội bảo vệ chỉ huy Sở, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh/d23, 1thiết đoàn khoảng 41 xe tăng, bọc thép (25 xe M41, 2 xe M24 và 14 xe M113) 1 tiểu đoàn pháo 10 khẩu (6 khẩu 105mm và 4 khẩu 155), khoảng 100 xe các loại với tổng số gần 1.500 tên địch. Lực lượng bộ binh, chốt giữ được trang bị đại liên, M72, M79, ĐKZ 75, 90 và 1067mm, cối 60 và 81mm tiểu liên, các loại mìn định hướng, lựu đạn, và có cả đạn hóa học.

Lực lượng trong cứ điểm được bố trí thành 13 khu vực: chỉ huy Sở e42 (khu A), chỉ huy Sở f22 sân bay trực thăng (khu B), cố vấn Mỹ (khu c), chỉ huy Sở Biên phòng và e14 thiết giáp sát cổng chính (khu Q), hội trường và nhà làm việc (khu E), quân y kỹ thuật (khu D), hậu cần nhà lính (khu L), ban chỉ huy d1/e42 (khu K), ban chỉ huy d2/e42 (khu H), ban chỉ huy d4/e42 (khu F), khu kho hỗn hợp (khu z), chỉ huy tiểu đoàn pháo và trận địa pháo (khu X), kho xăng bãi xe (khu 0). Ở thị trấn Tân Cảnh có một đại đội bảo an, ty cảnh sát và một số trung đội nghĩa quân, thám báo.

Về công sự vật cản: Căn cứ 42 rộng khoảng 24ha có cấu trúc hình lục giác, có 2 cổng ra phía Đông và Tây, chiều dài từ Bắc xuống Nam 600m rộng từ Đông sang Tây 400m. Phía Bắc có 2 cạnh bằng nhau, mỗi cạnh dài trên 200m, cạnh phía Đông bằng cạnh phía Tây dài khoảng 500m. Hai cạnh phía Đông nam và Tây nam bằng nhau, mỗi cạnh dài 300m. Địch xây dựng hệ thống công sự kiên cố, vật cản dày đặc bảo vệ cứ điểm.

Phía ngoài cùng là hệ thống lô cốt, công sự, tháp canh gồm 30 chiếc lớn nhỏ khác nhau. Lô cốt loại lớn 3 tầng, trên cùng là đài quan sát tháp canh có đèn pha, tầng giữa đặt đại liên, tầng dưới để binh lính ngủ có hình hộp chữ nhật, chiều dài 6m, rộng 4m, cao 1,5m có 4-6 lỗ châu mai. Các lô cốt loại vừa và nhỏ hình hộp chữ nhật, có 1 hoặc hai tầng, dài từ 3m - 4m, rộng từ 2m - 3m có 2 - 4 lỗ châu mai. Trên nóc các lô cốt được lát gỗ thông (hộp vuông 0,40m x 0,40m) trên cùng là lớp bao cát dày 3m. Xung quanh tường lô cốt xếp bao cát dày từ 1m- l,5m hoặc thùng phi đổ đầy cát, đất hoặc xi măng, sát lô cốt có hàng rào mắt cáo chống B40, B41. Nối liền các lô cốt là hào chiến đấu. Ở tuyến công sự ngoài cùng, địch bố trí hỏa lực dày đặc gồm đại liên, M72 ĐKZ75, 90, 106,7mm, cối 60, 81mm và hai tuyến mìn hỗn hợp, ngoài ra còn có xe tăng cơ động và đèn pha chiếu sáng.

Trong cứ điểm, nhà cấu trúc theo kiểu thành phố xây gạch, lợp tôn, có đường hào công sự nổi, nối các khu và công sự chiến đấu cá nhân xung quanh nhà, khu cố vấn hầm ngầm kiên cố. Khu chỉ huy, nhà sĩ quan ở xếp bao cát theo kiểu hầm nổi, có hầm tránh pháo, trên tháp nước được bố trí đài quan sát. Phía sau lô cốt là nhà lính.

Bao quanh Căn cứ 42 là hệ thống vật cản dày đặc gồm các loại hàng rào dây thép gai và mìn hỗn hợp chống bộ binh, xe tăng và chiếu sáng được bố trí xen kẽ trong các hàng rào bùng nhùng, cũi lợn, mái nhà, vướng chân, mắt cáo.

Phía Tây bắc có 8 lớp rào, Tây nam có 14 lớp, Đông nam 14 lớp, Đông 12 lớp, Đông bắc 14 lớp. Khu cố vấn Mỹ có hàng rào mắt cáo. Mỗi hàng rào cách nhau từ 10m đến 15m, chiều rộng từ hàng rào trong cùng đến hàng rào ngoài cùng từ 120 m đến 150 m. Xen kẽ các hàng rào có các loại mìn hỗn hợp chống bộ binh, xe tăng và chiếu sáng, địch bố trí mìn chống tăng nhiều ở hướng Đông bắc, Tây bắc và hướng Nam. Ngay sau hàng rào thứ nhất (ngoài cùng) có đường cho xe tăng cơ động và các chốt, hào chiến đấu. Cổng ra vào phía Đông và phía Tây đều có mã đóng mở lô cốt chốt giữ.

Ở căn cứ Đăk Tô 2 cách căn cứ 42 khoảng 4 km về phía Tây có Trung đoàn 47, tiểu đoàn 2, 1 đại đội bảo an, 1chi đội xe tăng/ el4, 1 phân đội 6 khẩu 105 mm. Ở Đăk Tô còn 1 khẩu, khu sân bay Đăk Vi cách Căn cứ 42 khoảng 500m về phía Tây bắc có 1 đại đội bảo an, 1 chi đội xe bọc thép, xe tăng. Phía Đông bắc khoảng 1 Trung đội địch chốt đầu cầu Tân Cảnh. Ở quận lỵ Đăk Tô cách Căn cứ 42 khoảng 5 km về phía bắc có tiểu đoàn 3/e42 và 4 khẩu pháo 105mm. Ở Ngọc Tụ có địch hoạt động, ở Ngọc Long Rao có gần một đại đội bảo an, cối 81mm án ngữ. Ở Diên Bình có 1 đại đội bảo an, 4 khẩu 105mm, từ 3-5 trung đội nghĩa quân. Ở ấp Đăk Rao Peng có 4 khẩu 155mm và 6 khẩu l05mm; Hướng tây có căn cứ Đăk Mót, Plei Kần đều có từ 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn BB, 1 đại đội pháo binh. Các trận địa pháo địch ở phía Tây nam như Ngọc Rinh Rua (4 khẩu), cao điểm 1338, 1314, (2 đại đội BB và 1 đại đội pháo) sẵn sàng chi viện.

Tóm lại, địch trong căn cứ 42 Tân Cảnh có quân đông, hỏa lực mạnh, xe tăng cơ động cao, công sự vững chắc, vật cảnh dày đặc được các cứ điểm xung quanh, pháo binh, máy bay chi viện kịp thời lương thực, đạn được dự trữ nhiều bảo đảm đánh dài ngày, bọn chỉ huy cố vấn rất ngoan cố chống lại ta.

Vì vậy, Đăk Tô - Tân Cảnh là địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn được diễn ra tại đây như Chiến dịch Đăk Tô I vào năm 1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã tiêu diệt bộ phận Sư đoàn bộ binh 4, Sư đoàn kị binh không vận số 01 và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại điểm cao 875; Chiến dịch Đăk Tô II vào năm 1969 ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đặc biệt là chiến dịch Xuân hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên mà cụ thể là chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm ở Đăk Tô – Tân Cảnh vào ngày 24 tháng 4 năm 1972.

I.2.2.  Ý nghĩa, giá trị lịch sử của Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

            Trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972, quân và dân Tây Nguyên đã hoàn thành nhiệm vụ do Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương giao phó, ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh, liên tiếp phá tan các hệ thống phòng thủ ở bờ Tây của địch, buộc chúng phải co cụm và lui về phòng thủ ở thị xã, tạo đà cho các cuộc tấn công tiêu diệt các cứ điểm còn lại của địch ở dọc biên giới Việt Nam - Lào và Campuchia ở phía Tây và Tây bắc Kon Tum. Kết quả của chiến dịch, ta đã đánh 1.459 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 27.953 tên địch; trong đó diệt và làm bị thương 19.749 tên (có 26 cố vấn và giặc lái Mỹ và giặc lái Mỹ; Tướng Giôn Pôn-van, cố vấn Trưởng Quân đoàn 2, Lê Đức Đạt – Sư trưởng Sư đoàn 22 nguỵ bị chết); bắt 2.034 tên (trong đó có tên đại tá Vi Văn Bình, Sư phó Sư đoàn 22 nguỵ và hàng trăm sĩ quan); làm tan rã 6.170 tên cảnh sát, dân vệ, bảo an. Về đơn vị đã tiêu diệt Sư đoàn 22 thiếu, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 23 và Sư đoàn dù số 2, hai liên đoàn biệt động quân (số 2, 6) và 10 tiểu đoàn khác.  Bắn rơi và phá huỷ 212 máy bay các loại (bắn rơi 182 chiếc, phá huỷ 30 chiếc, chiếm 3 trực thăng); phá huỷ, phá hỏng và chiếm 1.227 xe quân sự (có 298 xe tăng và xe bọc thép, 12 xe tăng bị tịch thu), 146 pháo cối lớn; phá huỷ: 1883 lô cốt, 264 nhà, 75 kho, 25 cầu cống, 1 dàn ra đa và nhiều vũ khí, quân dụng khác. Ta thu 3.518 súng các loại có (20 pháo lớn), 88 xe (có 12 xe tăng), 3 máy bay trực thăng, 228 máy vô tuyến điện, 4 tổng đài, gần 9.000 viên đạn pháo và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Với chiến dịch Xuân Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên, Ta đã giải phóng trên bốn vạn dân ở các huyện H67, H30, H9, H80… và mở rộng vùng giải phóng, tạo thành một căn cứ địa liên hoàn của ba nước Đông Dương từ Hạ Lào và Đông bắc Campuchia nối liền với Kon Tum và căn cứ Khu uỷ V. Từ đó, Bộ đội Trường Sơn (đường 559) đã chuyển hướng vận tải từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn, rút ngắn được nhiều cung đường vận chuyển nhân tài vật lực, hàng hoá, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam cả ngày lẫn đêm, đáp ứng kịp thời cho nhiều chiến dịch sau này.

Theo Xã luận Báo Quân đội Nhân dân, số 3934 thứ ba, ngày 25/4/1972, có tiêu đề "Một trận đánh nhanh, diệt nhiều đơn vị lớn của địch", đã viết: “Chiến thắng Đắc tô - Tân cảnh trước hết là một trận đánh tiêu diệt rất xuất sắc. Chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, quân giải phóng Công Tum đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch… Chiến thắng này đã phá tung một mảng quan trọng trên tuyến phòng thủ cơ bản của Mỹ - Nguỵ ở Công Tum. Đánh chiếm Đắc tô – Tân cảnh, quân giải phóng Công Tum đã làm rung chuyển dữ dội toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ -Nguỵ ở Tây Nguyên, làm cho thế trận của chúng ở phía Bắc bị rối loạn, ở phía Nam bị uy hiếm từ nhiều phía, trận địa phòng ngự của địch bị suy yếu hẳn đi…”

Trong cuốn Hồi ký Chiến đấu ở Tây Nguyên của Thượng tướng, Giáo sư  Hoàng Minh Thảo, Nxb Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội 2004 đã đánh giá như sau: Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ là những đòn tiêu diệt chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, nó đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường Miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND, Tiến sĩ Đoàn Sinh Hưởng cho biết: Sau khi Đăk Tô - Tân Cảnh được giải phóng, Kon Tum trở thành một hậu phương vững chắc cho các lực lượng chủ lực của ta đứng chân hoạt động (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh tiền phương đường Trường Sơn) cũng như tích trữ lương thực, lập kho tàng, tập hợp lực lượng và là bàn đạp để ta thực hiện chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975./.

I. 3. Tác dụng của việc tìm hiểu các di tích lịch sử địa phương đối với thanh thiếu niên

+ Di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là bài học lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

+ Bài học lịch sử sinh động. Các di tích lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

+ Lòng biết ơn của thế hệ trẻ chúng ta ngày này đối với những Anh hùng đã hy sinh, ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế hệ hôm nay cần hiểu rõ về địa phương, vùng đất đang sinh sống, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phấn đấu rèn luyện bản thân, có thêm ý chí quyết tâm học tập tốt, xây dựng quê hương

II. THỰC TRẠNG VIỆC HIỂU BIẾT CỦA HỌC SINH KON TUM VỀ LỊCH SỬ NGỤC KON TUM, CHIẾN THẮNG ĐĂK TÔ – TÂN CẢNH.

- Xuất phát từ nhận thức tầm trọng của việc tìm hiểu các di tích địa phương, Em đã tiến hành khảo sát sự hiểu biết của các bạn đối với di tích lịch sử Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – tân Cảnh, bởi đây là 2 di tích lịch sử quan trọng, là chứng tích làm sống dậy thời kỳ hào hùng dân tộc trong giai đoạn đánh Pháp (1930- 1931) và đánh Mỹ (1972), để thông qua đó, Em đánh giá được sự hiểu biết và ý thức của các bạn đối với 2 di tích trên

1. Tiến hành khảo sát.

 - Để khảo sát, Em chọn 6 lớp bất kỳ rãi đều ở 3 khối, tổng số lượng là 222 bạn, tại trường THPT Trường Chinh, Kon Tum

PHIẾU KHẢO SÁT

     Xin chào tất cả các bạn, đây là phiếu khảo sát của sự hiểu biết về di tích lịch sử tại địa phương. Phiếu này được giữ bí mật phục vụ cho việc nghiên cứu nên các bạn không cần phải ghi rõ họ tên. Đề nghị các bạn hãy trả lời các câu hỏi một cách trung thực. Xin chân thành cảm ơn.

1.       Thông tin cơ bản:

-         Trường THPT Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

-         Lớp:

-         Ngày khảo sát:

-         Giới tính: Nam……                Nữ……………..

-         Dân tộc:……………………………………………

2.      Nội dung khảo sát:

Em đưa ra 10 câu hỏi lên quan đến sự hiểu biết của các bạn về Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Câu 1.  Tại địa phương bạn sinh sống, bạn biết được bao nhiêu di tích lịch sử?

-         1 di tích lịch sử

-         2 di tích lịch sử

-         3 di tích lịch sử

-         Đáp án khác (ghi rõ):………………………………………………………….

Câu 2. Bạn thích đến di tích lịch sử tại địa phương mình hay không?

-         Rất thích

-         Thích

-         Không thích

Câu 3. Tần suất đến di tích lịch sử địa phương như thế nào?

-         Không bao giờ đến

-         Khoảng vài lần trong năm

-         Đến thường xuyên

Câu 4. Bạn đến di tích lịch sử vì lý do gì?

-         Muốn biết di tích                                                                     

-         Vì muốn ghi nhận công ơn các Anh hùng đã hy sinh

-         Vì phải đi tham gia các đợt lễ hội, sự kiện

-         Vì lý do khác

Câu 5. Bạn đã được nghe thông tin đầy đủ về di tích Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh chưa? Có thì do ai thông tin cho bạn?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 6. Theo bạn di tích lịch sử địa phương có tác động đến lòng yêu nước của bạn hay không?

-         Không có.

-         Có, nhưng rất ít

-         Rất nhiều

Câu 7. Theo bạn di tích lịch sử tại địa phương có ý nghĩa gì đối với bạn?

-         Không có ý nghĩa gì

-         Bình thường

-         Rất có ý nghĩa

Câu 8. Bạn biết gì về ý nghĩa của di tích Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh?

-         Không biết gì

-         Biết một ít

-         Biết rõ

-         Câu 9. Bạn biết tới 2 di tích Ngục Kon Tum, di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh là qua đâu?

-         Qua sách báo, Internet, bạn bè

-         Qua mạng Qua tiết học lịch sử địa phương

-         Qua thầy (cô) dẫn đi thực tế

-         Ý kiến khác (ghi rõ):………………………………………………………….

Câu 10. Bạn có biết vì sao ở địa phương Kon Tum có di tích Ngục Kon Tum, di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh không ?

-         Biết rõ

-         Biết một ít

-         Không biết

2. Thống kê và đánh giá kết quả

Em đã tiến hành điều tra thông tin của 222 bạn HS của 6 lớp chọn ngẫu nhiên và rãi đều trong 3 khối, tại trường THPT Trường Chinh vào đầu học kỳ II năm học 2018 – 2019 và  học kỳ I năm học 2019 -2020, đã thu được kết quả thống kê sau:

STT

Cách thống kê

Nhận xét chung

Câu 1

Trả lời đúng

Trả lời sai

Đa số các bạn không biết gì đến di tích lịch sử tại địa phương.

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

79

36%

143

64%

Câu 2

Rất thích

Thích

Không thích

Đa phần các bạn không thích tới di tích lịch sử

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

40

18%

22

10%

160

72%

Câu 3

Không bao giờ tới

Tới vài lần trong năm

Tới thường xuyên

 

Đa số các bạn tới di tích lịch sử tại địa phương rất ít lần

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

150

68%

47

22%

25

11%

Câu 4

Muốn biết di tích

Ghi nhớ công ơn Anh hùng

Tới để dự lễ hội vì buộc phải đi

Lý do khác

Số lượng không muốn tới di tích là rất đông

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

10

4,5%

5

2,3%

192

87%

15

6,7%

Câu 5

Đã nghe đến di tích

Chưa nghe đến di tích

Các bạn chưa hiểu biết nhiều về di tích

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

52

23%

170

77%

Câu 6

Không có tác động

Có tác động rất ít

Có tác động nhiêu

Đa phần các bạn đều có cảm xúc khi đến di tích lịch sử

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

12

6%

 71

31%

139

63%

Câu 7

Không có ý nghĩa

Bình thường

Có ý nghĩa rất nhiều

Các bạn biết di tích lịch sử địa phương rất có ý nghĩa

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

0

0%

3

1%

219

99%

Câu 8

Không biết gì

  Biết một ít

Biết rõ

Hầu hết các bạn  đều không biết gì ở 2 di tích

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

222

100%

0

0%

0

0%

Câu 9

Biết qua sách, báo, bạn bè, mạng xã hội

Biết qua tiết học lịch sử địa phương

Biết qua thầy (cô) dẫn đi thực tế

Ý kiến khác

Các bạn biết qua báo, mạng xã hội, nhưng vậy ít bạn được xuống trực tiếp di tích.

SL

TL

SL

TL

SL

TL

SL

TL

200

90%

22

10%

0

0%

0

0%

Câu 10

 

 

 

 

Biết rõ

 

Biết một ít

        Không biết

Đa số các bạn không biết lý do gì có Ngục Kon Tum và di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

SL

TL

SL

TL

SL

TL

222

100%

0

0%

0

0%

3.      Kết luận.

-         Thông qua kết quả khảo sát các bạn, em nhận thấy các bạn rất ít quan tâm tới di tích lịch sử tại phương, không hiểu rõ về di tích, các bạn gần như chưa tới di tích lịch sử tại địa phương mình sinh sống

III. NGUYÊN NHÂN CỦA THỰC TRẠNG

-         Nguyên nhân khách quan:

+ Các bạn đang ở độ tuổi trẻ thích cái mới, cái đang diễn ra như sự phát triển của công nghệ thông tin hấp dẫn các bạn hơn là các bạn đi tìm lịch sử đã qua.

+ Thời lượng học các môn khác nhiều nên các bạn không có thời gian để tự tìm hiểu về lịch sử ở địa phương.

+ Đối với các tiết học lịch sử địa phương tại lớp, hình thức tổ chức dạy học lịch sử địa phương không đa dạng nên đem tới hiệu quả không cao, giáo viên chỉ nói mang tính giới thiệu, qua loa vì thời lượng không có, mỗi khối lớp chỉ có 1tiết học/1năm về lịch sử địa phương nên dẫn đến các bạn không biết gì về di tích lịch sử địa phương nơi mình đang sinh sống.

-         Nguyên nhân chủ quan:

+ Ý thức tìm hiểu về lịch sử địa phương của các bạn chưa cao nên dẫn đến không biết gì về di tích lịch sử nơi mình đang sinh sống

IV. HẬU QUẢ CỦA VIỆC ÍT HIỂU BIẾT VỀ LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG.

+ Truyền thống yêu nước của các bạn ngày càng hạn hẹp dẫn đến các tệ nạn xã hội diễn ra nhiều

+ Ý thức, trách nhiệm của các bạn đối với địa phương mình chưa cao, ví dụ đơn giản, khi kêu gọi thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu không có ý thức về truyền thống, họ có đi không hoặc đi nhưng với tâm thế nào?

+ Niềm tự hào về đất nước, về quê hương nơi mình đang sống sẽ không còn nữa bị lãng quên theo thời gian.

 V. XÂY DỰNG CÁC BIỆN PHÁP GIÚP NÂNG CAO SỰ HIỂU BIẾT VỀ LỊCH SỬ NGỤC KON TUM, CHIẾN THẮNG ĐĂK TÔ – TÂN CẢNH .

1. Biện pháp 1. Đưa các bạn thăm quan thực tế 2 di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Đăk Tô – Tân Cảnh.

- Mục đích:

 + Tìm hiểu và hiểu rõ về di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Đăk Tô – Tân Cảnh. Từ đó giúp các bạn tái hiện được kiến thức lịch sử dân tộc Việt Nam thời chống Pháp, Mỹ.

+ Giáo dục và bồi dưỡng niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước, ý thức bảo vệ và giữ gìn chủ quyền dân tộc.

+ Bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và bảo vệ các di tích lịch sử tại địa phương.

+ Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế làm cho các bạn có kĩ năng sống, kỹ năng hợp tác và lắng nghe của các bạn

-  Cách tiến hành

+ Xin giấy giới thiệu của nhà trường

+ Xin ý kiến lãnh đạo của 2 di tích Ngục Kon Tum, Đăk Tô – Tân Cảnh

+ Tổ chức các bạn đi thăm di tích

+ Trong quá trình tham quan Ngục Kon Tum các bạn nghe bài thuyết trình của Chị Nguyễn Thị Hoài Thương - nhân viên khu di tích Lịch sử Ngục Kon Tum về lịch sử đấu tranh diễn ra tại NGục Kon Tum.

+ Tham quan di tích Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh các bạn nghe bài thuyết trình của bạn Nguyễn Thị Hải Yến học sinh lớp 12A2 Trường THPT Trường Chinh – Kon Tum, về Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh

+ Các bạn chụp ảnh và quay phim tại 2 di tích Ngục Kon Tum, Đăk Tô – Tân Cảnh

+ Xem những hiện vật được trưng bày trong khu di tích .



Hình 1. Các bạn học sinh trường THPT Trường chinh tới thăm di tích Ngục Kon Tum



Hình 2. Các bạn học sinh trường THPT Trường Chinh tới thăm Bảo tàng Kon Tum



Hình 3. Các bạn học sinh trường THPT Trường Chinh tới thăm di tích Ngục Kon Tum và nghe bài thuyết trình của chị Nguyễn Thị Hoài Thương - nhân viên khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum

 



Hình 4. Các bạn học sinh trường THPT Trường Chinh tới thăm di tích Chiến thắng

Đăk Tô – Tân Cảnh.

-  Tác dụng

+ Thứ nhất, Qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày cùng với lời thuyết trình đã góp phần tạo ra bức tranh sống động, dựng lại sự kiện lịch sử hào hùng của quân và dân Kon Tum, làm cho các bạn tự hào về quê hương Kon Tum – nơi các bạn đang sống.

+ Thứ hai, qua đi thực tế tham quan 2 di tích lịch sử còn giúp các bạn kiểm tra, sửa chữa, làm chính xác, cụ thể hóa những kiến thức các bạn HS đã được học, góp phần tạo mối liên hệ giữa tri thức LS được học với thực tiễn, giữa nhà trường với xã hội.

 - Thứ ba, trong quá trình thăm quan các bạn khác nghe bạn mình làm thuyết minh viên trong hoạt động tham quan tạo hứng thú cho các bạn HS khác. Đặc biệt, làm cho các bạn phát huy thế mạnh trong rèn luyện các kĩ năng, hình thành các năng lực, bước đầu định hướng nghề nghiệp cho HS.

2. Biện pháp 2.  Làm Poster treo trong lớp, dán bảng tin nhà trường.

- Mục đích:

+ Đem đến sự hiểu biết cho tất cả các bạn ở trường THPT Trường Chinh về Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh

- Cách tiến hành

+ Chuẩn bị vật liệu làm như: giấy rôki, bút màu…

+ Chuẩn bị nội dung viết về 2 di tích Ngục Kon Tum, di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh

+ Phối hợp với đoàn trường để treo trên bảng tin nhân ngày quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2019.

+ Phối hợp với Giáo viên chủ nhiệm các lớp để treo Poster ở mỗi lớp 1 tuần.



Hình 5. Các bạn HS Trường THPT Trường Chinh đang xem Poster nói về 2 di tích lịch sử tại địa phương (Ngục Kon Tum và di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh)

- Tác dụng

+ Giúp các bạn nắm được các vấn đề về kiến thức của 2 di tích lịch sử Ngục Kon Tum, chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

+ Tạo điều kiện cho các bạn tương tác và trao đổi ý kiến, chia sẻ với nhau những thông tin, kiến thức chưa thể giải quyết được.

+ Tăng cường năng lực hợp tác, lắng nghe tích cực và rèn luyện ngôn ngữ, từ đó có thể phát triển thành đội ngũ cộng tác viên để tuyên truyền rộng rãi các kiến thức về di tích trong nhà trường.

3. Biện pháp 3.  Tuyên truyền trong tiết học lịch sử địa phương và Giáo dục công dân địa phương.

- Mục đích:

- Trong tiết học lịch sử địa phương ở mỗi khối chỉ có thời lượng 1 tiết / 1 năm học được phân bố nội dung khác nhau ở mỗi khối. Do thời lượng ít nên không có hệ thống xuyên suốt về quá trình đấu tranh chống Pháp và Mỹ được thể hiện qua Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh. Vì vậy, trong 2 tiết học lịch sử, công dân địa phương làm rõ cho các bạn về nội dung  Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

- Cách tiến hành.

+ Phối hợp với tổ chuyên môn Lịch sử, Giáo dục công dân, lập kế hoạch tổ chức trong tiết học lịch sử địa phương và công dân địa phương .

+ Phân công các bộ phận thực hiện kế hoạch: báo cáo viên, trang trí khẩu hiệu băng-rôn tuyên truyền, âm thanh, phần thưởng, thiết kế hình thức tổ chức.

+ Báo cáo viên thuyết trình kiến thức cơ bản về 2 di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Đăk Tô – Tân Cảnh.

+ Báo cáo viên sử dụng hình ảnh, phóng sự về Ngục Kon Tum và Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh. Nguồn tư liệu; https://www.youtube.com. ( Địa chỉ đỏ: Ngục Kon Tum và cuộc đấu tranh lưu huyết);  https://www.youtube.com. (Mặt trận Đăk Tô – Tân Cảnh).

 


Hình 6. HS Trường THPT Trường Chinh trình bày về di tích Ngục Kon Tum trong tiết học lịch sử địa phương.



Hình 7. HS Trường THPT Trường Chinh trình bày về Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh trong tiết học giáo dục công dân địa phương.

-  Tác dụng.  

+ Nhằm giúp các bạn trong nhà trường tìm hiểu, tiếp cận với thông tin, kiến thức về di tích lịch sử tại địa phương. Từ đó, tránh suy nghĩ lệch lạc, có niềm tin và ý chí học tập trong tương lai.

4.      Biện pháp 4. Gặp gỡ nhân chứng lịch sử

- Mục đích:

- Giúp các bạn có thêm nhiều hiểu biết sống động về cuộc chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

- Khơi dậy niềm tự hào, giáo dục đạo đức cách mạng và cổ vũ, động viên các bạn phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình.  

- Cách tiến hành.

+ Xin ý kiến của nhà trường đi gặp gỡ nhân chứng lịch sử

+ Xin ý kiến của nhân chứng để sắp xếp về thời gian

+ Xây dựng các nội dung , câu hỏi cần thiết khi gặp gỡ nhân chứng .

+ Trao đổi với nhân chứng về trận đánh Đăk Tô – Tân Cảnh 1972

+ Trong quá trình gặp gỡ các bạn nghe được những chia sẻ về ký ức, cảm xúc, gian khổ, ác liệt trong trận chiến đấu đánh Đăk Tô – Tân Cảnh 1972 và lời khuyên dành cho các bạn học sinh.

+ Các bạn HS nghe, viết, quay phim và chụp ảnh lưu niệm với nhân chứng lịch sử   



Hình 8. Gặp gỡ Nhân chứng sống trong trận đánh Đăk Tô – Tân Cảnh 1972.  Bác

 Nguyễn Văn Tuyến nguyên Phó Chủ Tịch thường trực Huyện Đăk Tô năm 1972.

 Hiện đang ở số nhà 95 đường Hùng Vương – Huyện Đăk Tô – Tỉnh Kon Tum

 

- Tác dụng:

+ Qua đây, góp phần bồi đắp nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ tiền bối đi trước, vượt qua gian khó trong học tập, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, phát triển.

+ Các bạn có hiểu biết sâu hơn đối với kiến thức về di tích  Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972.

5.      Biện pháp 5. Xin ý kiến nhà trường, ban nề nếp và ban chấp hành đoàn trường, giáo viên dạy lịch sử lồng ghép trong buổi ngoại khóa của đoàn trường tổ chức.

-         Mục đích:

 + Giúp các bạn hiểu biết sâu hơn về kiến thức Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh

- Cách tiến hành:

- Xin ý kiến nhà trường, ban nề nếp và ban chấp hành đoàn trường nhân buổi ngoại khóa chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

- Xây dựng các nội dung cần tuyên truyền để duyệt trước khi tuyên truyền.

- Đại diện tuyên truyền.

- Nội dung tuyên truyền:

- Những vấn đề cơ bản về Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

- Ý thức và trách nhiệm của các bạn thanh niên chúng ta cần phát huy, giữ gìn truyền thống yêu nước của ông cha ta



Hình 9. Một buổi ngoại khóa tuyên truyền về Ngục Kon Tum,

Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh

-         Tác dụng:

+ Tạo cơ hội cho toàn thể các bạn trong nhà trường hiểu và biết tới Ngục kon Tum, Đăk Tô – Tân cảnh

+ Gây hứng thú tìm hiểu về lịch sử địa phương.

VI. HIỆU QUẢ SAU KHI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP

Sau khi kết thúc tổ chức các hoạt động tìm hiểu kiến thức về di tích lịch sử địa phương của các bạn học sinh, em đã tiến hành kiểm tra kết quả thu được thông qua việc tổ chức kiểm tra sự hiểu biết của tất cả các bạn học sinh qua bộ câu hỏi cho 222 bạn HS tại trường THPT Trường Chinh vào đầu học kỳ II năm học 2019 – 2020.  Qua thống kê kết quả các dạng bài tập như sau:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá sự hiểu biết về di tích lịch sử tại địa phương ( di tích lịch sử Ngục Kon Tum, di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh)

Nội dung kiểm tra

Thống kê nhận xét

Câu 1. Bạn đã hiểu hết về di tích lịch sử tại địa phương ( di tích Ngục Kon Tum, di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh)?

A.    Hiểu biết đầy đủ

B.    Hiểu biết chưa đầy đủ

C.    Chưa hiểu biết

Có 73% các bạn tự nhận thấy mình đã hiểu biết đầy đủ, 27% các bạn chưa hiểu biết đầy đủ, không có bạn nào lựa chọn cho mình phương án không có hiểu biết.

Câu 2. Bạn cảm thấy như thế nào khi được tìm hiểu và đi tới di tích lịch sử tại địa phương?

A. Rất tự hào.            B. Tự hào.    

C. Bình Thường.

88% các bạn cảm thấy rất tự hào, 11% các bạn cảm thấy tự hào, con số này cũng đã nói lên được hiện tại phần lớn các bạn đã cảm nhận được các giá trị , tầm quan trọng của di tích lịch sử tại địa phương mình đang sinh sống.

Câu 3. Bạn có thích nơi mình sinh sống có nhiều di tích lịch sử không?

A. Thích                     B. Không thích

C. Bình thường

 

100% các bạn đều thích có nhiều di tích lịch sử. Đây là điều rất đáng tự hào.

Câu 4. Bạn có muốn gìn giữ giá trị của di tích lịch sử tại phương mình sinh sống hay không?

A. Rất muốn. B. Muốn.       

C. Không muốn.

100% các bạn đều rất muốn hoặc muốn có di tích lịch sử tại phương mình sinh sống. Bởi các bạn đã hiểu được giá trị của di tích lịch sử tại địa phương.

Câu 5. Bạn sẽ làm gì để thế hệ trẻ mai sau gìn giữ được các giá trị của di tích lịch sử tại địa phương?

……...................................................

Hầu hết các bạn đều đưa ra được các biện pháp cho riêng mình, nhưng tập trung nhiều vẫn là các giải pháp sau:

- Nhắc nhở thế hệ sau tìm hiểu và thường xuyên tới di tích lịch sử địa phương.

Câu 6. Khi tới thăm di tích lịch sử bạn được nhìn thấy hiện vật và nghe  bài thuyết trình về di tích bạn cảm thấy thế nào?

A.Xúc động           B. Bình thường

C.Không xúc động

100% các bạn đều xúc động khi nhìn và nghe nói về di tích lịch sử tại địa phương. Đây là điều rất đáng mừng vì từ di tích lịch sử đã gây tạo nên lòng yêu nước của các bạn.

Câu 7. Bạn sẽ làm gì để gìn giữ giá trị của di tích lịch sử tại địa   phương?

...........................................................

 

 

Đa phần các bạn chọn giải pháp tới thăm di tích lịch sử thường xuyên và giới thiệu về di tích lịch sử địa phương mình đang sống cho các bạn trên thế giới biết. 

Câu 8. Tại sao thế hệ trẻ cần tìm hiểu về di tích lịch sử tại địa phương?

...........................................................

 

Câu trả lời các bạn đều thể hiện được di tích lịch sử là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của nhân dân ta để bảo vệ đất nước.

       Qua kết quả điều tra của các bạn nói lên rằng: các bạn đã biết và hiểu về di tích lịch sử tại địa phương, di tích lịch sử đã để lại niềm tự hào sâu sắc về truyền thống yêu nước của dân tộc, thông qua việc tìm hiểu thực tế về di tích lịch sử quê hương,các bạn đã tiếp bước cha anh, noi gương truyền thống lịch sử hào hùng dân tộc.

 


KẾT LUẬN

       Đề tài đã giúp các bạn hiểu hiểu về nguồn gốc, quá khứ, những đóng góp to lớn của nhân dân địa phương đối với công cuộc cách mạng Việt Nam. Từ đó, các bạn nhận ra được cái đúng, cái sai, cái xấu, cái tốt và thái độ, hành vi, ứng xử đúng đắn đối với con người, mảnh đất nơicác bạn ở. Đây là nền tảng để các bạn trở thành những công dân yêu nước, có trách nhiệm với quê hương, đất nước và sẵn sàng đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và bảo vệ lãnh thổ.

Qua quá trình làm đề tài, bản thân em rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Để đề tài có hiệu quả cần có sự hỗ trợ và phối hợp của nhiều bộ phận trong nhà trường.

- Bản thân cần tìm hiểu hết về lịch sử của địa phương .

- Người thuyết trình viên phải hiểu biết về vấn đề cần tư vấn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Tô (2000), Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc và Đảng bộ huyện Đăk Tô, Sở Văn hóa - Thông tin Kon Tum.

2.       Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum (2006), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tập 1  (1930-1975), Nxb Đà Nẵng.

3.       Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum (1993), Kon Tum 30 năm chiến đấu kiên cường bất khuất (1945-1975), Nxb Đà Nẵng.

4.       Đặng Vũ Hiệp (2004), Ký ức Tây Nguyên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

5.       Nhiều tác giả Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum (1995), Sống giữa lòng dân (Hồi ký), Kon Tum.

6.  Ngô Đức Đệ (2007). Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum. Hồi ký. Bảo tàng Tổng hợp    tỉnh Kon Tum

7. Tài liệu giáo dục địa phương Tỉnh Kon Tum (2013), Lịch sử, Địa Lý, Giáo Dục Công dân, Nxb Giáo dục Việt Nam.

8.  Nhiều tác giả Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum (2014), Kỷ yếu hội thảo phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Ngục Kon Tum.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Ngô Đức Đệ (2007). Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum. Hồi ký. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Kon Tum. Giấy phép xuất bản số 64/GP-SVHTT ngày 14/12/2007.  tr 157.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét